Cần đề phòng tội phạm trộm cắp tài sản trong những ngày nghỉ lễ
Nhiều lần đột nhập ký túc xá để trộm cắp tài sản
Mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, sau nhiều ngày theo dõi, điều tra, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận đã bắt giữ đối tượng Trần Thị Hiền (SN 1995, quê quán Hà Nam) - kẻ gây ra hàng loạt vụ trộm cắp máy tính xách tay ở nhiều khu ký túc xá trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 19/4, chị N.T.M (sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông đóng chân trên địa bàn phường Mộ Lao, quận Hà Đông), đến Công an quận trình báo: Khoảng 9h sáng cùng ngày, chị bị 1 đối tượng nữ giới trộm chiếc máy tính xách tay trị giá khoảng 10 triệu đồng tại phòng ký túc xá trường học.
Đối tượng Trần Thị Hiền và những thông tin, hình ảnh về hành vi trộm cắp bị tố trên mạng xã hội |
Quá trình điều tra xác minh tin báo, ghi nhận trên một số trang mạng xã hội đăng tải các đoạn video ghi lại hình ảnh 1 phụ nữ đặc điểm giống đối tượng gây ra vụ trộm cắp tài sản trên. Đối tượng này cũng liên quan đến nhiều vụ trộm cắp tài sản trong khu ký túc xá các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, gây bức xúc dư luận.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã làm rõ và bắt giữ đối tượng gây án là Trần Thị Hiền (SN 1995, quê quán Hà Nam, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản).
Tại Cơ quan Công an, Hiền khai nhận đã liên tiếp thực hiện các vụ trộm cắp tài sản tại nhiều khu ký túc xá sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, sau khi chấp hành xong hình phạt tù vào tháng 10/2023, do lười lao động, Hiền đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Hiền nhắm vào các ký túc xá sinh viên để gây án, vì đây là nơi có nhiều sơ hở như thường không khóa cửa phòng, vắng người qua lại, bảo vệ quản lý lỏng lẻo. Ký túc xá cũng là nơi có nhiều sinh viên sử dụng máy tính xách tay thường để tại phòng, không bảo quản cất giữ...
Bắt đầu từ tháng 3/2024, đầu giờ sáng, Hiền đi xe khách từ nhà ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, Hà Nam ra TP Hà Nội, rồi đi xe buýt vào các khu ký túc xá. Hiền giả là sinh viên để qua chốt bảo vệ, rồi vào các phòng "tăm tia". Khi phát hiện phòng không khóa cửa, không có người hoặc có người nhưng đang ngủ, Hiền lẻn vào lục lọi, lấy cắp tài sản rồi tẩu thoát. Tài sản trộm cắp được, đối tượng mang bán, sau đó lại bắt xe về quê.
Với phương thức và thủ đoạn trên, Trần Thị Hiền đã thực hiện 7 vụ trộm cắp tài sản ở ký túc xá các trường Đại học trên địa bàn các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông.
Đối tượng Lê Sỹ Đào khai nhận gây ra 11 vụ trộm cắp tài sản |
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác tội phạm trộm cắp tài sản cũng gây án hết sức liều lĩnh, manh động. Mới đây ngày 24/4, Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với đối tượng Lê Sỹ Đào (SN 1986, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) về hành vi trộm cắp tài sản.
Đào khai nhận đã thực hiện tổng cộng 11 vụ trộm cắp tài sản với giá trị gần 100 triệu đồng trên địa bàn huyện Yên Thành. Hiện Cơ quan Công an đang hoàn tất các thủ tục để trao trả một số tài sản cho người dân, đồng thời tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng theo quy định.
Tiếp đến ngày 25/4, Công an TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đã bắt giữ đối tượng Lại Trung Thành (SN 1984, trú tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản).
Theo điều tra, chiều 23/4, Thành bắt xe khách từ Lào Cai xuống Hà Nội và lên Hòa Bình để thăm dò, chờ đêm khuya tìm các hộ dân sơ hở để trộm cắp. Thành đã đột nhập lên tầng hai của nhà người dân qua đường ống nước rồi vào phòng nhà lục soát, trộm cắp nhiều tài sản (gồm 2 điện thoại loại iPhone 15 Promax và Samsung Galaxy Jump cùng 13 triệu đồng tiền mặt), tổng giá trị khoảng 56 triệu đồng.
Công an TP Hoà Bình bắt giữ đối tượng Lại Trung Thành cùng tang vật vụ trộm |
Thủ đoạn của tội phạm và biện pháp phòng ngừa
Để đảm bảo công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản lợi dụng sơ hở của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo: Các đối tượng trộm cắp sẽ lợi dụng sự sơ hở của người dân không khóa cửa khi đi ra ngoài; để xe trước cửa nhà, cửa phòng trọ... không khoá án toàn.
Khi đột nhập vào nhà chúng thường trèo qua cột điện, cây cối... để qua ban công, cửa sổ rồi vào trong phòng. Khi lấy được tài sản, lấy được xe, chúng nhanh chóng tẩu thoát. Có trường hợp bị gia chủ phát hiện đuổi bắt, chúng còn chống trả để thoát thân.
Ngoài ra, tội phạm trộm cắp tài sản có thể giả danh người mua hàng, nhân viên các công ty làm dịch vụ vận chuyển đồ đạc, lợi dụng việc chủ nhà đi vắng hoặc chủ quan sơ hở, không quan sát, để trộm cắp điện thoại, tiền bán hàng, hàng hóa và những đồ vật có giá trị khác...
Để phòng ngừa trộm đột nhập vào nhà, người dân cần kiểm tra an toàn tất cả các cửa trước khi đi ngủ, đi làm, đi chơi xa. Luôn đảm bảo chắc chắn đã đóng cửa, khóa cửa, gồm cửa ra vào, cửa sổ, cửa ban công, sân thượng...; Không cất giữ tiền bạc, tài sản có giá trị lớn trong nhà khi thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn.
Người dân cần chú ý tường, rào ngăn ngừa những tên “đạo chích” leo trèo từ cây xanh, trụ điện gần nhà để đột nhập; theo dõi các đối tượng lạ mặt xuất hiện, có biểu hiện nghi vấn trong khu dân cư; lắp đặt hệ thống camera giám sát, chuông báo động.
Các hộ gia đình nên nhờ hàng xóm, người quen xung quanh coi hộ khi vắng nhà, khi đi du lịch; tuyệt đối không chia sẻ lịch trình của bản thân và gia đình lên mạng xã hội.
Người dân không nên một mình giằng co, bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản, phòng trường hợp đối tượng manh động sẽ gây nguy hiểm. Khi phát hiện có trộm, người dân cần bình tĩnh tìm biện pháp báo cơ quan Công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ từ bên ngoài.
Tổ Tuần tra Nhân dân bảo đảm an ninh, phòng ngừa tội phạm |
Khi để xe cần có người trông giữ, để ở nơi dễ quan sát, cho xe vào trong nhà, đóng cửa ra vào và luôn khóa xe cẩn thận; không để xe nơi vỉa hè, lòng đường, dù chỉ rời xe một vài phút; không mua bán, cầm cố xe không rõ nguồn gốc, không có đăng ký xe hoặc xe không chính chủ.
Người dân không để giấy tờ xe và giấy tờ quan trọng khác trong cốp xe (hộc đựng đồ của xe). Ngoài việc khóa cổ xe, người dân cần trang bị ít nhất một loại khóa khác như: Khóa chống trộm, khóa bánh, khóa phanh đĩa, khóa chống chân…. Không để tiền, kim loại quý và các vật có giá trị trong cốp xe máy; nên tạo thói quen đưa xe vào nhà, rút chìa khóa xe và khóa cổng, lắp các hệ thống chống trộm; buổi tối nên đưa xe vào nhà trước khi đi ngủ, gửi xe tại các điểm trông giữ...
Đối với các chủ nhà cho thuê phòng trọ, khách sạn phải nắm rõ thông tin, lưu trữ căn cước công dân của người đến thuê và trình báo với Công an phường để quản lý; khi phát hiện đối tượng nghi vấn cần thông tin, tố giác với Công an địa phương để xử lý. Các cơ sở kinh doanh nên bố trí bảo vệ, lắp đặt camera giám sát xung quanh, lối ra, vào cửa hàng.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cần rà soát, gia cố lại hệ thống cửa, khóa và lắp các thiết bị giám sát phục vụ tốt cho công tác bảo vệ như camera an ninh, cảm biến hồng ngoại...; tuyển chọn và bố trí lực lượng bảo vệ đủ về số lượng, được tập huấn thường xuyên về xử lý các tình huống đột xuất. Tăng cường công tác kiểm tra vào những giờ tội phạm hay gây án, nhất là ban đêm...
Các bệnh viện cần tăng cường kiểm soát người ra vào các khoa khám bệnh, buồng bệnh đặc biệt vào ban đêm, đảm bảo chỉ người có thẻ người nhà bệnh nhân mới được ra, vào. Đối với người dân khi đến khám, chữa bệnh, không nên mang theo nhiều tiền mặt và tài sản có giá trị; vào buổi tối nên cất ví tiền, điện thoại ở những nơi kín đáo.