Cần giải quyết căn cơ tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức có sai phạm |
Ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023.
Thảo luận tại tổ 6, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như các nội dung của báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, các báo cáo này đã đánh giá sâu sắc, chân thực tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Theo các đại biểu, báo cáo cũng đã thể hiện rõ những khó khăn, thách thức do tác động từ tình thế giới, hậu quả kéo dài của dịch bệnh COVID-19 để lại còn tương đối nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã năng động, sáng tạo, điều hành kiên quyết, linh hoạt với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, giúp đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức, từng bước đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) phát biểu |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho biết, tình hình phát triển kinh tế, xã hội còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc sản xuất kinh doanh, đặc biệt là là công nghiệp, thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, ở nhiều lĩnh vực, khu vực đang có chỉ số phát triển âm. Đây là tình trạng đáng quan tâm và cần có giải pháp kịp thời để khắc phục.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong năm qua cũng như những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, việc giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị đình đốn, hoạt động kinh doanh sản xuất ở các nhà hàng, các điểm du lịch còn gặp nhiều thách thức.
Chia sẻ nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu cho rằng, một trong những lý do là bởi hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng nhà ở, quy hoạch có không ít mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng thực thi hiệu quả trong thực tiễn.
"Chính việc chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong một số quy định đã dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đùn đẩy công việc, không dám chịu trách nhiệm, không dám quyết định, tạo khó khăn cho doanh nghiệp", đại biểu Dũng nói.
Để khắc phục những bất cập này, đại biểu đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông) cho rằng, cần thiết phải thực thi nhiều biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó cần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục.
Đại biểu Ngô Thanh Danh cũng kiến nghị cần tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, đảm bảo ứng phó được với những biến động khó lường của tình hình quốc tế.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển tình hình mới, giải quyết căn cơ tình trạng sợ trách nhiệm, sợ đưa ra quyết định, tháo gỡ vấn đề cốt lõi là những chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật.