Cần tháo gỡ khó khăn về tài chính, đa dạng hóa nguồn thu để báo chí phát triển bền vững
Diễn đàn là chương trình nằm trong dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024" nhằm trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu, hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay.
Diễn đàn cũng nhằm chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta… từ đó, đề xuất được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.
Đến dự và chủ trì diễn đàn có các ông: Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngoài ra, diễn đàn có còn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT-TT, lãnh đạo các cơ quan báo chí…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Nhận diện thách thức đối với các cơ quan báo chí
Theo Cục Báo chí (Bộ TT-TT), báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam nhưng nghịch lý là doanh thu báo chí có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo in, điện tử (81 báo, 78 tạp chí) và đài phát thanh, truyền hình trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu của các đơn vị đều giảm.
Hiện nay, các cơ báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.
Các đại biểu tham dự diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 (Ảnh: Hoàng Trọng) |
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là đơn vị đồng hành diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. |
Theo Cục Báo chí, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn.
Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến "miếng bánh" kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn, điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.
"Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 sẽ là cơ hội để các đơn vị chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt để tiến về phía trước với tinh thần lạc quan" ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Dũ Tuấn) |
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương. Hiện trong điều kiện kinh tế báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh Bình Định đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí", ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 |
Khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước, ưu tiên phát triển nội dung khác biệt
Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: Chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, tạo ra một tòa soạn, tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả; Chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới; Cần có "Cơ chế đặt hàng" báo chí trong việc truyền thông chính sách để thúc đẩy kinh tế báo chí…
Trong đó, chuyển đổi số thành công cần công nghệ, giải pháp, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, giúp cơ quan báo chí phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, nhiều đại biểu "hiến kế", việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, trình bày tại diễn đàn (Ảnh: Hoàng Trọng) |
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn.
Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách và phát triển doanh thu quảng cáo, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã có nhiều biện pháp đa dạng nguồn thu, từ thu phí đọc báo điện tử, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đầu tư lĩnh vực giáo dục...
Đến từ TP Hồ Chí Minh, ông Cao Anh Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP HCM, cho rằng, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng truyền thông hiện đại, các cơ quan báo chí cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả sản xuất chương trình, để vừa thực hiện tốt vai trò tuyên truyền chính trị vừa đảm bảo tận dụng được các nền tảng truyền thông mới để thu hút nguồn doanh thu quảng cáo. Điều này cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, giúp các đơn vị báo chí tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tăng cường sức cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thông trong và ngoài nước.
Còn Giám đốc, Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh - ông Mai Vũ Tuấn, cho rằng đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các cơ quan báo chí hiện nay.
Ông Tuấn kiến nghị Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các đơn giá định mức hoạt động của đơn vị sự nghiệp báo chí, như: Phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí…
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu kết luận diễn đàn (Ảnh: Hoàng Trọng) |
Phát biểu kết luận diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết: "Ở góc độ Ban Tuyên giáo, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Đảng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ báo chí phát triển, việc này không chỉ trách nhiệm của riêng Bộ TTTT, Hội Nhà báo hay các cơ quan báo chí.
Thực tế, thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và đã có những chỉ đạo định hướng từ lâu ở các văn kiện có thể nói là cao nhất của Đảng. Tới đây, chúng ta cần có những đợt tập huấn riêng "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ làm công tác tài chính của các báo, nếu tổ chức mà báo nào không cử cán bộ đi tập huấn thì nghiêm khắc phê bình. Việc này khó một lần nhưng sau này sẽ trơn tru".
Theo ông Lâm, hiện nay, hầu hết lãnh đạo các báo đều trưởng thành từ người làm nội dung, bởi việc này rất dễ thuyết phục để đề xuất làm lãnh đạo. Với tình hình hiện nay, các báo, các Tổng Biên tập nên suy nghĩ phải có Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc… phụ trách về vấn đề kinh tế, tài chính, công nghệ mà không cần làm nội dung. Từ đó, cơ quan báo chí dần tiến tới phát triển kinh tế và hoạt động bền vững.