Cần xử lý nghiêm trường hợp chống đối tại chốt kiểm dịch để làm gương
Nghìn lẻ kiểu vượt... rào
Hà Nội đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã liên tiếp xảy ra những vụ “thông chốt” với nhiều cách khác nhau; Trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, khoảng 16h15 phút ngày 25/8 tổ công tác Y6/141, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông tại tuyến đường Lê Đức Thọ, hướng đi Hồ Tùng Mậu, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Trong quá trình trực chốt, tổ công tác phát hiện nam thanh niên tên Trịnh Anh Anh (hiện là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội) điều khiển xe mô tô Honda Wave Alpha màu cam không biển kiểm soát.
Đại uý công an bị thương khi Trịnh Anh Anh cố tình tông trúng người |
Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra nhưng Trịnh Anh Anh không chấp hành mà tăng ga phóng xe máy bỏ chạy và đâm vào Đại úy Lê Ngọc Dũng, cán bộ tổ công tác. Hậu quả, Đại úy Lê Ngọc Dũng ngã ra đường, chảy máu vùng đầu, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198, Bộ Công an.
Trước đó, vào hồi 16 giờ ngày 6/8, tổ công tác phòng chống dịch chốt tại đường Hồ Tùng Mậu (cổng Trường Đại học Thương mại) đang làm nhiệm vụ, phát hiện đối tượng Nguyễn Quang Tú (SN 2002, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, là shipper tự do) đang đi xe máy theo hướng từ Cầu Diễn tới Cầu Giấy.
Khi Thượng úy Nguyễn Duy Khánh (Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an quận Cầu Giấy) ra tín hiệu yêu cầu dừng xe, Tú không những không giảm tốc độ mà còn cho xe đâm thẳng vào cán bộ. Hậu quả vụ tai nạn làm Thượng úy Khánh bị chấn thương vùng đầu, trật khớp xương quai xanh.
Tại cơ quan công an, Tú khai nhận, do sợ bị chốt kiểm soát phạt vì vi phạm quy định phòng, chống dịch nên đã liều lĩnh phóng xe bỏ chạy, dẫn đến sự việc trên. Công an quận Cầu Giấy đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quang Tú để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt giữ đối tượng “thông chốt' hành hung cán bộ |
Danh sách những vụ chống đối người thực thi công vụ tại các chốt kiểm soát phòng dịch có thể vẫn tiếp tục được nối dài, bởi ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, lối sống ích kỷ, vô cảm của một bộ phận người dân đã khiến họ bất chấp những nỗ lực cao độ của toàn xã hội trong việc chặt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Không chỉ "thông" chốt bằng vũ lực, mà lợi dụng quy định cho phép người dân ra đường khi có giấy “thông hành”, hiện nay đã phát hiện một số trường hợp mua giấy đi đường từ các cơ quan, tổ chức.
Đơn cử, ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), tổ công tác quận Thanh Xuân phát hiện các đối tượng T.Đ.L và Đ.H.T cùng sinh năm 1993, D.V.B (sinh năm 1987) cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, sử dụng giấy đi đường có biểu hiện nghi vấn để qua chốt. Lực lượng chức năng đã đưa 3 người này về trụ sở để xác minh, làm rõ.
Bước đầu xác định số người này đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan chức năng đang tiến hành giám định tài liệu và truy xét việc cấp phát giấy này.
Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: Trong lúc các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì những hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, kể cả dưới khía cạnh đạo đức và luật pháp. Những hành động này cần phải được xem là việc chống lại xã hội, chứ không đơn thuần chỉ là sự phản kháng yêu cầu của lực lượng chức năng.
Việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi thành công dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự đồng lòng, chung sức của toàn dân.
Trong khi hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đang ngày đêm cứu chữa người bệnh, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, thì những cá nhân ích kỷ, vô cảm, vi phạm quy định về phòng dịch, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch… Những đối tượng này rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân |
Thực tế hiện nay, việc xử lý người vi phạm có các hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, thường bị xử phạt VPHC theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, Điều 20 Nghị định này quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Đáng lưu ý là Nghị định này có quy định về việc phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm như hiện nay, hành vi tấn công nhân viên các chốt kiểm soát dịch bệnh là rất nghiêm trọng. Bởi vì nó không chỉ gây ra những hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước hoặc của người thực thi công vụ, mà nghiêm trọng hơn là làm gián đoạn, cản trở hoạt động bình thường của lực lượng phòng chống dịch bệnh.
“Điều nguy hại nhất đó là các hành vi chống đối, vượt qua kiểm soát ấy ẩn chứa trong nó nguy cơ làm dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Do đó, cần nhận thức về hậu quả của hành vi ở cách tiếp cận này, chứ không chỉ ở mức độ thương tích hay thiệt hại vật chất do hành vi đó gây ra.
Việc xử lý hình sự mọi trường hợp sử dụng vũ lực chống đối ở các cấp độ, có tác dụng răn đe rất lớn. Nhìn gương người khác bị trừng trị mà mỗi người rút ra bài học cho mình, phải tôn trọng lợi ích của xã hội mà tự giác khép mình vào khuôn khổ, điều chỉnh hành vi cá nhân phù hợp với lợi ích của cộng đồng và trật tự pháp luật”, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội nhấn mạnh.