Cảnh báo cha mẹ dạy trẻ nguyên tắc sử dụng điện an toàn
Một cháu bé tử vong do nghịch điện khi ở nhà Hà Nội: 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp |
Hôm nay, ngày 10/9, tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), một bé trai 10 tuổi không may bị điện giật tử vong thương tâm trong lúc học tại nhà.
Tai nạn đau lòng xảy ra trong bối cảnh học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang phải học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh về biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt là máy vi tính.
Những tai nạn đau lòng
Thông tin với báo chí ngày 10/9, Công an phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một học sinh bị điện giật tử vong khi đang học ở nhà.
Một số hàng xóm nạn nhân cho biết, khi cháu bé đang học thì chiếc laptop đang cắm sạc không vào điện. Thấy vậy, bé trai không gọi người lớn kiểm tra mà tự lấy kéo chọc vào ổ điện để thử nên bị điện giật.
Hiện trường vụ tai nạn khiến bé trai 10 tuổi ở Hạ Đình bị điện giật tử vong thương tâm |
Đáng chú ý, trước đây đã có nhiều vụ tử vong thương tâm do sự cố từ các thiết bị điện tử mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em.
Gần đây nhất, ngày 11/8, trong quá trình sạc điện thoại giúp bố, cháu trai bé trai 7 tuổi ở Phú Thọ bị điện giật tử vong thương tâm.
Cụ thể, vào khoảng 19 giờ ngày 11/8, cháu L.Nh (7 tuổi, trú tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) được bố nhờ sạc điện thoại. Sau đó, bố cháu bé đi tắm. Khi tắm xong vào nhà, người bố phát hiện con trai nằm co quắp, tay vẫn cầm điện thoại nên tiến hành sơ cứu nhưng bé không qua khỏi.
Vừa sạc vừa dùng các thiết bị điện tử (trong đó có việc học online) khiến dòng điện không ổn định, bị chập chờn. Nếu dây sạc bị đứt gập trước đó mà người sử dụng không chú ý có thể dẫn đến cháy nổ thiết bị.
Trước đó, bé trai 5 tuổi tại Kiên Giang bị hoại tử 2 bàn tay, bỏng mặt và mắt vì trong lúc nghịch đã cắm dây kẽm vào ổ điện; Hay vụ việc bé trai 4 tuổi tại Nghệ An tử vong, do không may bị dây điện chạy qua người... đã khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng trước sự an toàn của con trẻ xung quanh các thiết bị điện tại gia đình.
Trên đây chỉ là một số ít trong rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra đối với trẻ em trong thời gian vừa qua, mà nguyên nhân sâu xa nhất lại chính là sự bất cẩn, chủ quan của người lớn khi không theo sát con em mình. Trong khi đó, trẻ con vốn thích khám phá những điều mới lạ.
Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Trước những nguy hiểm rình rập trẻ em bất kể lúc nào từ thiết bị điện, điện tử, các bậc phụ huynh và nhà trường cần trang bị cho các bé kỹ năng về an toàn thiết bị điện trong gia đình.
Chị Trần Thị Thúy (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Giữa trưa đọc được vụ việc thương tâm về cháu bé ở Hạ Đình mà tôi giật mình hoảng hốt. Vì dịch bệnh nên tôi phải gửi con về ông bà nội ở Hà Nam và không thể quay lại Hà Nội để học trực tuyến. Hàng ngày, con tự học 1 mình với máy tính nên tôi càng lo lắng, bất an hơn. Tôi đã gọi về dặn dò kỹ lại con và nhờ ông bà để ý, trông chừng đến cháu nhiều hơn”.
Từ tai nạn đau lòng về điện gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh thường duyên theo dõi con sát sao, hướng dẫn trẻ sử dụng điện an toàn |
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”, anh V.L.M (kỹ sư công nghệ thông tin ở Hà Nội) nhắn nhủ các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con ghi nhớ các nguyên tắc sau: Với trẻ dưới 6 tuổi, khi cần cắm điện hoặc bật công tắc để sử dụng phải nhờ người lớn giúp đỡ; Không được phép tự ý nghịch các thiết bị điện trong nhà như lò vi sóng, dây điện...; Không được chọc bất cứ dụng cụ gì vào ổ cắm điện, đặc biệt là khi tay ướt. Trẻ trên 6 tuổi, khi tự cắm điện, bật công tắc điện cần giữ tay thật khô và đi dép nhựa; Không bao giờ đi gần một dây điện bị đứt, nhất là vào lúc trời mưa.
Anh M cũng cho biết, các dòng điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng hiện nay đều dùng pin lithium - pin nén, khi phát nổ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến người sử dụng thiết bị trực tiếp cũng như những người xung quanh. Do vậy, khi thiết bị điện tử báo pin đã ở ngưỡng yếu, dưới 20% hoặc dưới 10%, lúc đó bắt buộc phải dừng hoạt động để sạc cho đủ dung lượng, hạn chế vừa cắm sạc vừa sử dụng.
Bên cạnh đó, thiết bị điện tử sử dụng quá lâu không bảo dưỡng, không thay pin là một trong những nguyên nhân quan trọng gây cháy nổ, nhất là với smartphone. Trong quá trình sử dụng nếu thấy hao pin nhanh, nóng máy, người dùng phải đi kiểm tra ngay, không nên cố dùng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, người dùng cần để ý hai đầu dây của cáp sạc có bị hở không, sắp bị đứt không? Gặp trường hợp như vậy phải thay dây ngay. Ngoài ra, cục sạc cắm vào ổ điện phải thật sự chắc chắn và cố định, đảm bảo không bị chập chờn.
“Đặc biệt, khi thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính bảng) bị rơi nhiều lần, các linh kiện bên trong sẽ bị xáo trộn, đặc biệt là pin. Cục pin được gắn trên khung máy, do vậy khi bị rơi có thể khiến các cáp chân pin bị hở, rò điện. Trong quá trình sạc thiết bị, nếu các chân pin đó chạm vào thành máy sẽ có cảm giác tê ở tay khi chạm vào. Đây là một trong những dấu hiệu máy đang bị rò điện, rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu thiết bị biến dạng, cong vênh cần đi kiểm tra ngay”, anh M nhấn mạnh.
Một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng thiết bị điện cần ghi nhớ - Thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé, nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào. - Một số đồ điện gia dụng như lò vi sóng, quạt, ấm đun nước, đặc biệt là những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt như: đèn ngủ, đèn nháy… Đây là những đồ vật trẻ dễ tiếp xúc nhất và cũng là những đồ vật khiến trẻ rất thích thú và tò mò. Vì vậy cần lưu ý phải để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong cần cất lên cao. - Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi. - Rút phích cắm, tắt công tắc các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng, cất dây sạc điện thoại khi xạc xong để tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm và cho vào mũi, miệng. - Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế các thiết bị đã bị cũ hỏng để đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị rò rỉ, hở, mát. Dùng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn. - Sử dụng thiết bị ngắt điện khi hệ thống tiếp đất lỗi cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa sốc điện ở những khu vực ẩm ướt. - Sử dụng các loại ổ cắm và phích cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm, ổ cắm điện là chấu tiếp đất, giúp an toàn cho người sử dụng nếu không may điện bị rò rỉ. - Không cho trẻ dùng máy sấy tóc và các thiết bị điện khác trong phòng tắm. |