Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ việc sấy, sưởi ấm trong mùa lạnh
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian tới, không khí lạnh từ phía Bắc liên tục tăng cường xuống nước ta làm nhiệt độ chung khu vực Hà Nội xuống thấp, dẫn đến nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ từ những thiết bị sinh nhiệt, thiết bị điện sưởi và ngọn lửa trần do đốt lửa.
Người dân cần lưu ý các biện pháp an toàn khi sử dụng thiết bị điện, sưởi ấm trong ngày rét đậm |
Để bảo đảm công tác PCCC&CNCH trên địa bàn quận, Công an TP Hà Nội khuyến cáo đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn một số biện pháp PCCC.
Khi sử dụng các thiết bị điện
Đối với các thiết bị điện sinh nhiệt như: bàn là, bếp điện, lò sấy, máy sấy, máy sưởi, đệm sưởi, đèn sưởi, bình siêu tốc, bình nóng lạnh phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già, người mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần .... sử dụng để hạn chế nguy cơ xảy cháy.
Người dân nên lựa chọn mua sắm các thiết bị điện sấy, sưởi của các nhà sản xuất có uy tín và đảm bảo chất lượng để đảm bảo an toàn.
Các hộ gia đình phải tiến hành bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện sấy, sưởi (đèn sấy, điều hòa - nóng, máy sưởi ...) sau một thời gian dài không sử dụng đề phòng bụi và độ ẩm hoặc địch hại cắn đứt dây điện gây chập cháy.
Người dân cần kiểm tra công suất các máy sấy, sưởi điện để sử dụng dây dẫn có tiết diện và chịu tải phù hợp, tránh bị quá tải gây chập điện và cháy, cháy lan.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình không để các vật liệu dễ cháy, các loại thiết bị có khí nén gần các thiết sấy, sưởi. Người sử dụng cần tự xác định mức độ, nhiệt lượng của thiết bị để duy trì khoảng cách an toàn đề phòng bức xạ nhiệt gây cháy, nổ.
Các vật liệu cháy được cần để cách xa các bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn và các thiết bị tiêu thụ điện ... ít nhất 50 centimet hoặc phải có giải pháp phòng tia lửa điện do chập điện có thể gây cháy.
Người dân nên hẹn giờ và kiểm tra chế độ tự động tắt của thiết bị điện. Đặc biệt lưu ý với các đèn sưởi, đệm sưởi ấm; Không nên duy trì bật thiết bị 24/24, cần có thời gian có thiết bị nghỉ và tự làm nguội, đề phòng quá tải.
Các cơ sở, hộ gia đình có sử dụng hệ thống tạo hơi nóng trung tâm, cần kiểm tra, thực hiện việc kiểm định của cơ quan chức năng đối với thiết bị tạo áp, bình hơi (hơi nóng) và bộ phận gia nhiệt theo quy định để đảm bảo an toàn.
Các hộ gia đình tắt tất cả các thiết bị điện khi không sử dụng hoặc xét thấy không cần thiết thì nên rút phích cắm ra khỏi nguồn điện.
Khi sử dụng ngọn lửa trần
Đối với các nguồn nhiệt như bếp gas, bếp củi, bếp than, đốt củi lửa, người dân cần thường xuyên kiểm tra và đề phòng các sự cố rò rỉ khí Gas có thể gây nổ hơi khí gas.
Các hộ gia đình không nên tích trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất dễ cháy khác ở trong nhà phục vụ nhu cầu sưởi ấm; cần có quy định vị trí để gas, xăng dầu, khí đốt khác ở bên ngoài nhà, nơi đảm bảo an toàn. Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình có sử dụng gas chỉ được phép tồn trữ không quá 70kg gas trong nhà có người ở (tương đương khoảng 5 bình loại 12kg)...
Người dân không đốt lửa để sấy, sưởi gần các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: khu vực chứa gas, cây xăng, bồn chứa xăng dầu, bãi xe, kho tàng chứa vật liệu cháy được, nơi có tập trung đông người trong không gian giới hạn; Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại vật liệu như gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn trong không gian có thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và đốt lửa trần ... nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra cháy và cháy lan.
Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và báo cháy khi phát hiện có cháy. Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất.