Cảnh giác với âm mưu lợi dụng nhân quyền, dân chủ, tôn giáo để chống phá chủ trương, đường lối của Đảng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm, chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam |
Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch nước ngoài luôn câu kết với những phần tử xấu, cơ hội chính trị trong nước tiếp tục chống phá nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, quyết liệt. Âm mưu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” đã được chúng tiến nhằm làm cho tình hình chính trị ở Việt Nam mất ổn định để có cơ hội can thiệp vào nội bộ nước ta.
Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống Nhân dân để lôi kéo, kích động gây ra sự bất ổn trong cộng đồng. Chúng tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một bộ phận Nhân dân với nhiều chiêu bài, như “hỗ trợ khiếu kiện”; “hỗ trợ nhân đạo”, đòi “tự do dân chủ”, “ngăn chặn, cản trở hoạt động tôn giáo”,… để tham gia cái gọi là “tổ chức hội, nhóm”, tham gia “tọa đàm”…và thông qua đó kích động những người bất mãn với xã hội viết bài xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các cấp và “bồi dưỡng” rất cao.
Các thế lực thù địch coi các đối tượng cực đoan chống đối trong các tôn giáo là lực lượng nòng cốt để lôi kéo chống phá Đảng, Nhà nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Cùng với việc hậu thuẫn cho các lực lượng này hoạt động chống phá đất nước, họ còn phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam đàn áp mọi tôn giáo, thường bắt giữ những người biểu tình ôn hòa đòi hỏi "tự do" tín ngưỡng và "tự do" thờ phụng. Nhiều tổ chức tôn giáo không được Chính phủ công nhận và không cấp giấy phép sinh hoạt… Đây là những luận điệu bịa đặt được lặp đi, lặp lại với ý đồ chính trị xấu xa.
Điều đó không chỉ gây khó khăn cho công tác tôn giáo mà còn là nguyên nhân và điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật để gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ, gây mất đoàn kết dân tộc và đe dọa ổn định chính trị - xã hội; Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội.
Thực tế đã chứng minh, nhà nước ta bên cạnh việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng nghiêm cấm mọi hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Bất kỳ ai, nếu vi phạm pháp luật dù với bất cứ lý do gì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Hiện nay, ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo.
Việt Nam có chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước, kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước, chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều đó đã quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta.
Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”.
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) khẳng định “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Các Hiến pháp của nước ta năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán và xuyên suốt là tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Năm 2016, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Chính phủ có Nghị định hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng phù hợp với yêu cầu của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ mới của đất nước, đồng thời thể hiện sự tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của Nhân dân.
Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh vạch trần các quan điểm tư tưởng sai trái thù địch, bịa đặt, bóp méo sự thật cũng chính là góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước; Đồng thời tăng cường sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch”, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.