Cặp vợ chồng cùng mắc Thalassemia có con khoẻ mạnh sau 9 năm chạy chữa
Vợ chồng chị Dương Phương Linh chia sẻ hành trình chạy chữa suốt 9 năm để có đứa con khoẻ mạnh
Hội thảo đã dành thời gian để các cặp vợ chồng chia sẻ về hành trình điều trị đặc biệt của họ tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Trong đó, trường hợp gia đình anh Đào Phú Khánh – Vũ Thị Phương thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE (đang mang thai 3), Phạm Thị Phượng – Lý Chí Thanh (sinh 1 con trai) nhờ Micro TESE, hay gia đình chị Dương Phương Linh có thể sinh ra đứa con khoẻ mạnh nhờ TTTON dù mắc Thalassemia, trường hợp gia đình anh Kiều Tiến Cử - Nguyễn Thanh Huyền thất bại nhiều lần, hơn 10 năm theo đuổi đến năm 2017 có 2 bé gái cũng khiến những người có mặt tại hội thảo thực sự xúc động. Đó chỉ là số ít trong hàng ngàn ca khó mà bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã điều trị thành công, minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện.
Một năm sau ngày cưới, năm 2010, đôi vợ chồng trẻ Dương Phương Linh và Nguyễn Tùng Anh hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng. Thế nhưng hạnh phúc không mỉm cười với đôi vợ chồng này thì thai nhi bị đình chỉ ở tuần 28 vì giãn tim, phù rau. Năm 2012, nỗi bất hạnh này tiếp tục xảy đến với Linh khi đang mang thai ở tuần 22.
Đến lúc này, hai vợ chồng mới được bác sĩ cho biết, cả hai đều mang gen tan máu bẩm sinh. 5 năm sống trong sự thất vọng, không nghĩ mình có cơ hội có đứa con khỏe mạnh. Năm 2017, hai vợ chồng được mách đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, và đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên can thiệp. Có đứa con khoẻ mạnh không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh khi bước vào tuổi 30, Linh hạnh phúc khoe về cảm giác ngỡ như trong mơ hơn một năm qua.
“Hạnh phúc đến với vợ chồng em như mơ. Suốt 9 năm qua, bọn em mong có được đứa con đến mòn mỏi, và đã có lúc định buông xuôi. Nhưng thật may mắn nhờ sự can thiệp của y học, giờ em đã có con trai 6 tháng tuổi khỏe mạnh bình thường. Hạnh phúc hơn nữa với bọn em là bé được xét nghiệm hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Hiện em vẫn còn trữ phôi và sẽ dự định sinh tiếp trong ba năm tới”, Linh kể.
Về trường hợp may mắn của vợ chồng chị Linh, Ths. Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết: “ Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng. Trong TTTON, kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ được ứng dụng để chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể trong đó có Thalassemia. Kỹ thuật này đã được bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công cho trường hợp mắc Thalassemia (cả bố và mẹ) thực hiện TTTON. Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh".
BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi- Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội |
Tại buổi Hội thảo, BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi- Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Sự trưởng thành và ngày càng lớn mạnh của Khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không chỉ là kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại mà còn là nỗ lực nâng cao tay nghề và tâm huyết của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện. Những ca khó tưởng chừng vô vọng nhưng cuối cùng vẫn có thể thành công là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi. Hy vọng, trong tương lai, bệnh viện sẽ giúp ngày càng nhiều các cặp vợ chồng có được đứa con mơ ước dù hành trình này vốn khá cam go".
Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện được thành lập từ năm 2012. Cùng với đội ngũ y bác sỹ tận tâm, giàu kinh nghiệm khám, chữa bệnh, bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, thiết bị đồng bộ hiện đại cho các phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng mổ, phòng Lab thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và các khoa phòng chức năng…
Bên cạnh đó, bệnh viện luôn chú trọng và không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Từ ngày thành lập đến nay, khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã đón nhận hàng chục nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa bệnh trong đó có hàng nghìn cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật TTTON với tỷ lệ thành công rất cao (tương đương với tỷ lệ của các trung tâm TTTON lớn trong nước và quốc tế).
BS Nguyễn Khắc Lợi trao giải vàng bốc thăm may mắn cho các gia đình tham gia chương trình tuần lễ vàng |
Cuối hội thảo, bệnh viện đã tổng kết chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018 với chủ đề “Yêu thương lan toả, hạnh phúc đong đầy” (diễn ra từ ngày 5-18/8/2018). Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình.
Sau hai tuần diễn ra, chương trình đã tiếp nhận gần 2000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Bên cạnh đó, tất cả các cặp vợ chồng đến khám mới trong thời gian này và có nhu cầu thực hiện TTTON được bệnh viện hỗ trợ trực tiếp 5.000.000 đồng/1 ca. Trong buổi hội thảo, các cặp vợ chồng đã tiến hành bốc thăm để nhận các gói hỗ trợ đặc biệt và có giá trị.