Cắt u quái buồng trứng "khủng" cho bệnh nhân trước khi cấy phôi vào tử cung
Bệnh nhân đã có con 10 tuổi và dự định có con thứ 2. Bệnh nhân cũng đã tiến hành làm IVF, hiện đang lưu phôi chờ cấy nhưng do khối u to chèn ép nên được chỉ định phẫu thuật trước khi cấy phôi vào tử cung. Chỉ trong 15 phút phẫu thuật nội soi, khối u buồng trứng được cắt và giải phóng ra khỏi các thành phần xung quanh.
Hình ảnh khối u quái buồng trứng kích cỡ khá lớn sau khi được lấy ra (Ảnh: BVCC) |
TS Nguyễn Minh Trọng - Trưởng khoa Ngoại gan mật, tiêu hoá và ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Đây là ca mổ với kỹ thuật mổ nội soi không khó về chuyên môn. Sự thống nhất của phẫu thuật viên và nhà sản khoa cùng bệnh nhân là chủ động lấy u qua đường trắng trên dưới rốn (thường sẽ lấy u qua đường ngang trên xương mu để đảm bảo thẩm mỹ).
Sự thống nhất này để đảm bảo tối đa tránh viêm dính vùng tiểu khung để bệnh nhân thuận lợi cho việc cấy phôi thai vào tử cung sau mổ. Sau mổ, bệnh nhân được ăn ngay ngày đầu và ra viện sớm".
TS Nguyễn Minh Trọng giải thích thêm, u quái buồng trứng (u tế bào mầm - Germ cell tumors) hay còn được gọi là u bì buồng trứng, u nang bì buồng trứng hay Teratoma buồng trứng, có nguồn gốc phát triển phát triển từ tế bào mầm nguyên thuỷ của buồng trứng. Chúng có thể lành tính (ví dụ: U quái trưởng thành) hoặc ác tính (ví dụ: U quái chưa trưởng thành, u tế bào mầm, khối u túi noãn hoàng, u tế bào mầm phối hợp).
Đối tượng dễ mắc phải u bì buồng trứng là phụ nữ trong khoảng từ 20 đến 30. Phần lớn các trường hợp mắc căn bệnh này được phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...) hoặc khi mổ lấy thai.
U bì buồng trứng thường là lành tính nhưng vì cấu tạo rất phức tạp, phát triển từ mô thượng bì trong phôi thai nên nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.