CEO IPPG đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực
Các doanh nghiệp đang đối diện với những thách thức to lớn Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu nhưng chậm lớn CEO IPPG: Các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá |
Doanh nghiệp rất cần có cơ chế, chính sách đột phá
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra ngày 19/9, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, năm 2021 - 2022, các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội, căng thẳng giữa Nga - Ukraina, lạm phát, giá xăng dầu, cước vận tải leo thang.
Đến đầu năm 2023, do ảnh hưởng tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp Việt Nam lại rơi vào thế bị động, bị hủy đơn hàng, doanh số sụt giảm, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều gặp khó khăn trước các "con sóng dữ" của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Do đó, theo lãnh đạo Tập đoàn IPPG, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp rất cần có cơ chế, chính sách đột phá để tăng cường nội lực và vượt khó.
Nêu một số đề xuất, Tổng Giám đốc Tập đoàn IPPG muốn các doanh nghiệp được hỗ trợ về chính sách thuế, tài chính, lãi suất.
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, thời gian qua đã có nhiều kiến nghị và giải pháp được kịp thời đưa ra nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất sau 4 lần điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) |
Vì vậy, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho rằng cần có giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp và cần có một cơ quan độc lập để đánh giá, điều chỉnh các gói hỗ trợ sắp tới một cách thiết thực và hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Tập đoàn IPPG cũng đề xuất rà soát lại những quy định thiếu thực tế, không đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua để kích cầu du lịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn IPPG cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu ngành kinh tế "không khói" này.
Trong đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên đề xuất có chính sách thương mại trong khu phi thuế quan.
Theo đại diện Tập đoàn IPPG, khi nói đến chính sách này đa số ban ngành đều “tránh né” vì sợ thất thu thuế. Nhưng theo tổ chức tư vấn Boston consultant Group, trên thế giới đang có 5.383 khu thương mại tự do và phi thuế quan, riêng Châu Á có 4.052 khu, nổi bật là Jeju (Hàn Quốc) và Hải Nam Trung Quốc.
Các chính sách ưu đãi của họ đã chứng minh Chính phủ không thất thu thuế mà còn được lợi vì tăng trưởng đầu tư do du khách đến chữa trị y tế, giáo dục, vui chơi, mua sắm. Khách du lịch nội địa được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm và ngành du lịch của họ tăng trưởng rất mạnh.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng đề xuất mô hình factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá) trong khu phi thuế quan để thu hút du khách trong ngoài nước. Nếu mở được ở Việt Nam thì đây sẽ là mô hình đầu tiên trong khu vực, thu hút và giữ ngoại tệ cho chúng ta, góp phần cho ngành du lịch Việt Nam có bước nhảy vượt bậc.
Lãnh đạo Tập đoàn IPPG cũng đề xuất cho phép mở cửa hàng miễn thuế dưới phố. Các khu miễn thuế tại khu trung tâm sẽ giúp thành phố phát triển thương mại giá trị cao và quảng bá sản phẩm của địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch và thu hút du khách.
"Ở Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ USD/năm cho TP Seoul", bà Lê Hồng Thủy Tiên dẫn chứng.
Cũng theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, các công ty du lịch lữ hành Việt Nam được hưởng hoa hồng từ việc bán hàng miễn thuế từ đó sẽ giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn có thể cạnh tranh với các tour du lịch trong khu vực.
"Tập đoàn IPPG với lợi thế phân phối hơn 138 thương hiệu, nếu được tạo điều kiện về mặt bằng trung tâm và có chính sách Duo Price (bán 2 giá cho - miễn thuế và nội địa) chúng tôi sẽ đầu tư hàng loạt các cửa hàng như đã mở tại Đà Nẵng", bà Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ.
Sớm có chính sách để TP HCM triển khai trung tâm tài chính
Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn IPPG đề xuất sớm có cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính.
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, từ năm 2016, Tập đoàn IPPG đã thuê Công ty Sheerman của Anh Quốc lập đề án thành lập trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng.
Tại Nghị Quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM tầm nhìn đến 2045 cũng nêu rõ, TP HCM sẽ là một trung tâm kinh tế tài chính của khu vực Châu Á.
Đề xuất sớm có chính sách để TP HCM triển khai trung tâm tài chính |
Tổng Giám đốc Tập đoàn IPPG cho biết, khi thành lập trung tâm tài chính, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như được đào tạo chuyển giao nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao.
Đồng thời, trung tâm tài chính còn thúc đẩy phát triển các ngành liên quan như bất động sản, vui chơi giải trí, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn diện cho TP HCM.
"Chúng tôi mong muốn Quốc hội và Chính phủ quan tâm, sớm ban hành chính sách để TP HCM triển khai trung tâm tài chính vừa khơi thông dòng vốn, tăng cường nội lực cho doanh nghiệp vừa đánh dấu bước phát triển của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới", bà Lê Hồng Thủy Tiên nói.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Tập đoàn IPPG bày tỏ trăn trở với phát biểu của PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về việc doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, "sống dai" nhưng "chậm lớn", khó trưởng thành.
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, không phải họ muốn “chậm lớn”, ngoài những doanh nghiệp rất “liều” đã dùng thuốc “tăng trọng”, “lớn nhanh” rồi “ngã bệnh” thậm chí lăn đùng ra “chết yểu”, thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, chịu khó đầu tư tìm tòi học hỏi, muốn “lớn và trưởng thành” một cách bài bản, nhưng bị vướng cơ chế và thiếu các chính sách mang tính chiến lược bền vững.
"Tôi muốn tôn vinh sự kiên nhẫn và quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có IPPG. Mặc dù đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng chúng tôi đã sáng tạo trong cái khó để phát triển, có sức bật vươn lên và có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ", bà Lê Hồng Thủy Tiên nói.
Do đó, lãnh đạo Tập đoàn IPPG bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.