Chăm lo người có công là tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng
Không ngừng hoàn thiện chính sách, tri ân từ tận đáy lòng
Thời gian qua, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Hà Nội luôn chú trọng quan tâm công tác chăm lo đời sống đối với người có công trên địa bàn thành phố, ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như: Quyết định số 16/2010/QĐ-UBND, ngày 5/5/2010 của Ủy ban Nhân dân về “Quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng khi được nhà nước tái định cư để giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND, ngày 18/2/2014, của UBND TP “Về việc quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công; cán bộ, viên chức làm việc tại một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế thành phố Hà Nội”; Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND, ngày 20/7/2021 của UBND TP về “Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội”;…
![]() |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2022 |
Từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 10.060 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 41,2 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho 81.748 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 910 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 60 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, toàn thành phố đã trao tặng 1.918.779 suất quà cho các đối tượng chính sách, bao gồm người có công, với tổng kinh phí gần 725 tỷ đồng, góp phần giúp người có công được đón Tết, vui xuân trong không khí phấn khởi, đầm ấm...
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), thành phố Hà Nội dành tặng 3.475 suất quà đến các đối tượng người có công trên địa bàn với tổng kinh phí là 3,566 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quận, huyện, thị xã.
Cụ thể, thành phố tặng quà mức 1.000.000 đồng/suất tới người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (Lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa); người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước”; người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công" hoặc “Bằng có công với nước” (nếu người đứng tên trong Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước" đã chết thì đại diện vợ, chồng hoặc con được tặng quà).
Cùng với đó, thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng quà tập thể và cá nhân tiêu biểu tại các địa bàn có cơ sở cách mạng là quận Hà Đông, các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đông Anh, Ứng Hòa. Trong đó, tặng 11.000.000 đồng/đơn vị (trong đó 10.000.000 đồng tiền mặt và túi quà trị giá 1.000.000 đồng) gửi tới 7 cơ sở cách mạng, là các đơn vị, tập thể được Nhà nước tặng danh hiệu “Bằng có công với nước” hoặc “Kỷ niệm chương có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến”.
Đối với quà tặng cá nhân, thành phố tặng quà mức 2.500.000 đồng/người (trong đó, 2.000.000 đồng tiền mặt và túi quà trị giá 500.000 đồng) gửi tới 14 cá nhân tiêu biểu (mỗi quận, huyện chọn 2 cá nhân tiêu biểu), là người có công thuộc đối tượng được tặng quà nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/2022.
Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương, tùy vào điều kiện và khả năng thực tế, có các cơ chế chính sách hỗ trợ, tặng quà các gia đình người có công khó khăn trên địa bàn quản lý.
Làm tốt hơn nữa chính sách với người có công
Phát huy truyền thống nhân ái “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kêu gọi và phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ; các sở, ban, ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp đóng trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng và đóng góp công sức tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” thành phố, cùng với Đảng, Nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Công tác chăm sóc người có công đã được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hình thức phong phú, sáng tạo.
![]() |
Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) |
Tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 26,73 tỷ đồng, đạt 115,2% kế hoạch. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230 hộ gia đình người có công, đạt 107% kế hoạch năm, với kinh phí 7,49 tỷ đồng; tặng 2.403 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 5,15 tỷ đồng, đạt 79,5% kế hoạch năm...
Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người có công, hỗ trợ người có công và thân nhân thu hoạch, tiêu thụ nông sản… ở khắp các thôn, xóm, khu dân cư hay tại các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người có công của thành phố cũng được triển khai đồng bộ. Mặt khác, hoạt động phụng dưỡng, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh; bố trí nguồn lực hỗ trợ người có công, gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà ở… cũng được các ngành, địa phương thường xuyên triển khai.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ nhiệm vụ: Phải thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công. Vì vậy, Hà Nội đã sớm có hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã về thực hiện chính sách người có công theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; tích cực triển khai hướng dẫn thực hiện kế hoạch điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng năm 2022, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Thời gian tới, Sở sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện 3 chính sách đặc thù thực hiện chế độ đối với người có công để tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm, bao gồm: Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; Nghị quyết quy định nội dung và mức tặng quà của thành phố Hà Nội tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9…
Đây là những hành động thiết thực, ý nghĩa, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, tô đẹp thêm truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

EVN điều chỉnh giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5

Thành phố Hà Nội bổ sung thêm 49 trạm xe đạp công cộng

Cô gái Nùng và ước mơ mở gara sửa chữa ô tô điện

TP Hồ Chí Minh thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, phát triển metro

Hải Phòng: 70 năm thành phố anh hùng “Trung dũng - Quyết thắng”

Khẩn trương bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc "càng sớm càng tốt"

Bình Định lên phương án xử lý tài sản công khi sắp xếp cấp huyện, xã

Công an Quảng Nam công bố quyết định nghỉ công tác hưởng chế độ

Tên 168 phường, xã của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập
