Chàng bác sĩ 9x kể lại câu chuyện hai lần xông pha vào "tâm dịch" Covid-19
Cứ có lệnh là lên đường
Từng là một trong những bác sĩ trẻ trong đoàn công tác chống dịch của Bệnh viện Bạch Mai chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng năm 2020, 20h30 phút ngày 6/2, bác sĩ Toàn nhận được tin nhắn từ lãnh đạo một lần nữa tiến vào tâm dịch: “Toàn về Hải Dương nhé”!
“Thông tin dịch bệnh từ Hải Dương vốn đã làm tôi thấp thỏm lo âu. Tôi đã luôn trong tâm thế sẵn sàng, nếu quê hương cần thì tôi sẵn sàng lên đường. Trước đó, ở Khoa Hồi sức tích cực cũng đã có thông báo rằng bất kỳ địa phương nào cần hỗ trợ, các bác sĩ hãy đăng ký để lên đường chi viện. Tôi đã xung phong đầu tiên” – bác sĩ Toàn nhớ lại.
Chia sẻ thêm về quan điểm của Bệnh viện Bạch Mai nơi anh công tác, bác sĩ Toàn nhấn mạnh: “Dù là đợt dịch tại Hải Dương hay Đà Nẵng, BV Bạch Mai đều sẽ dốc hết tâm sức, trang thiết bị vật tư và con người cho các chiến trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Ngày tôi đi, PGS.TS. Đào Xuân Cơ (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) gọi điện dặn dò: “Cố gắng dồn hết tâm sức không để bệnh nhân nào tử vong”.
Ths.BS Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những bác sĩ trẻ nhất từng 2 lần chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng – Hải Dương. |
Lúc này tại Bệnh viện dã chiến 2 có hai bệnh nhân nặng đang được đề nghị chuyển lên phòng ICU (chăm sóc tích cực) và thiết lập hoạt động luôn trong đêm hôm đó.
Chỉ có một giờ đồng hồ để chuẩn bị, 23h15' bác sĩ Toàn cùng một chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC) có mặt ở Bệnh viện dã chiến 2. Không có thời gian nghỉ ngơi, chàng bác sĩ trẻ bắt tay ngay vào thăm khám và lắp máy thở cho bệnh nhân.
“May mắn, bệnh nhân đáp ứng tốt với máy thở và sức khỏe ổn định lên từng ngày”, bác Toàn kể lại.
Là người đã từng đồng hành cùng Đà Nẵng suốt quá trình gần 2 tháng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, thời kỳ đỉnh điểm có đến 12 ca tại khoa ICU, bác sĩ Toàn cho biết: “Dịch ở bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương đều rất nhanh. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng virus lan nhanh trong bệnh viện, đặc biệt lại là Khoa thận nhân tạo, các bệnh nhân tử vong trong đợt dịch đó đa phần đều mắc suy thận mạn và những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng xấu ngay từ đầu”.
Còn ở “chiến trường” Hải Dương, bác sĩ Toàn cho rằng điều may mắn là tại ổ dịch Poyun đa phần người mắc là công nhân đều khỏe mạnh, ít bệnh lý nền, sức đề kháng tốt, khả năng diễn biến nặng thấp hơn so với Đà Nẵng.
Ngay sau khi tiếp nhận các ca nặng vào đêm 6/2, bác sĩ Toàn nhận thấy tiên lượng của các bệnh nhân đều tốt bởi đây đều là đối tượng tuổi không quá cao, ít bệnh lý nền. Ngoài ra, việc phát hiện nhanh giúp các bệnh nhân được điều trị và tiếp cận với phác đồ sớm.
“Tôi tiên lượng những bệnh nhân này khả quan hơn so với những bệnh nhân tôi đã điều trị tại Đà Nẵng” – bác sĩ Toàn nhận định.
Ngoài các y bác sĩ trực tiếp “chiến đấu” tại các chiến trường, một đội ngũ các thầy thuốc giỏi nhất cả nước trong đó có cả lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ bác sĩ, giáo sư từ các bệnh viện đầu ngành luôn hỗ trợ từ xa cho điểm nóng Hải Dương.
Không chỉ đưa ra những góp ý về chuyên môn, các thầy thuốc còn chỉ đạo vô cùng sát sao, chung tay giúp đỡ cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
"Cân não" trong tâm dịch Covid-19
Dù là Đà Nẵng hay Hải Dương, tôi vẫn luôn xác định rằng: “Chống dịch như chống giặc và những y bác sĩ như chúng tôi chính là một người lính trên chiến trường chống giặc Covid-19”.
Đêm 29 Tết, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái. Nhận định sơ bộ tình hình, bác sĩ Toàn thấy bệnh nhân có triệu chứng giảm ô xy máu thầm lặng khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn.
Ths.BS Vương Xuân Toàn đang chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 trong phòng ICU (chăm sóc tích cực) |
Ngay lập tức, bác sĩ Toàn tức tốc triển khai cho bệnh nhân thở máy. Sau khi bệnh nhân đã có đáp ứng với máy thở, ê-kíp nhanh chóng xin chỉ đạo của các chuyên gia đầu ngành. Họ đề nghị dùng tất cả các trang thiết bị vật tư có tại Bệnh viện dã chiến 2 để điều trị cho bệnh nhân.
Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu đồng thời bổ sung thêm thầy thuốc để theo sát bệnh nhân liên tục.
Bác sĩ Toàn nhớ lại “đêm trắng” hôm đó: “Tôi đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân diễn biến cực kỳ nhanh, buổi sáng chỉ có biểu hiện khó thở nhưng đến chiều chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60%, so với 95% của người bình thường, đây là con số vô cùng thấp. Tôi và ê-kíp đã túc trực cùng bệnh nhân đến sáng sớm. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị”.
Nếu bảo không nhớ nhà, nhớ người thân là không đúng. Khi vào Đà Nẵng, thời gian đầu mọi thứ chưa ổn định, BS Toàn không dám nói với bố mẹ.
Sợ bố mẹ lo lắng, cho tới khi dịch bệnh ổn định, anh mới gọi về động viên gia đình: “Con ở trong này chống dịch, bố mẹ cứ an tâm vì có đồ bảo hộ an toàn, mọi người cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Những buổi chiều 30 Tết hằng năm, bác sĩ Toàn vẫn cùng bố mẹ chuẩn bị cơm cúng tất niên, rồi quây quần bên nhau xem Táo quân. Năm nay là năm đầu tiên anh ăn Tết xa nhà, hơn nữa đã mấy tháng chưa về quê thăm bố mẹ.
“Nhà tôi cách đây chỉ 15km, bố mẹ muốn lên thăm cậu con trai út mà tôi không dám đồng ý. Bởi tôi hiểu rằng bản thân mình là đối tượng nguy cơ, phải hạn chế tiếp xúc trong khi bố mẹ tuổi đã cao, nếu không may lây nhiễm thì rất đáng lo ngại”.
Anh chỉ biết an ủi rằng bố mẹ an tâm, con đi chống dịch, để quê hương sớm trở lại yên bình.
4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến 2 hiện đã bước vào giai đoạn đỉnh điểm của bệnh. BS Toàn hy vọng bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt phác đồ điều trị, thời gian tới sẽ diễn biến theo hướng tốt hơn để họ có thể ra viện.
Còn những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội đang được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai theo dõi sát sao, khả năng bệnh nhân chuyển biến nặng, phải đưa vào khoa hồi sức là rất thấp. “Chúng ta sớm chiến thắng đại dịch” - BS Toàn luôn tin như vậy.