Chi Cục thi hành án dân sự huyện Diễn Châu có thực hiện đúng quy định của pháp luật ?
Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế khu đất theo bản án dân sự phúc thẩm
Bài liên quan
Vụ phóng viên Tạp chí Thương trường bị đánh: Khởi tố 3 bị can
Cần xử lý nghiêm minh kẻ xâm hại bé gái 9 tuổi được tại ngoại
IDJ cung cấp thông tin, clip tố bảo vệ tòa nhà Charmvit hành hung nhân viên công ty
Phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ: 13 bị cáo được giảm nhẹ hình phạt
Nghi can giết ba người thân tại TP HCM dương tính với ma túy
Không có di chúc dẫn tới tranh chấp
Mới đây báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn tố cáo chị Tạ Thị Ngọc (SN 1983, HKTT: xóm 7, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tố cáo Chi Cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Diễn Châu đã cố tình thi hành bản án dân sự chia tài sản thừa kế trong khi người có quyền lợi liên quan đang có đơn khởi kiện gửi tòa án huyện Diễn Châu và đơn khiếu nại dừng việc thi hành án.
Trong đơn, chị Ngọc viết: "Tôi là con gái của bà Nguyễn Thị Vị (SN1960, ở xóm 3, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Từ khi sinh ra, lớn lên tôi sống cùng mẹ và em trai ở ngôi nhà trên thửa đất của ông bà ngoại tôi là cụ ông Nguyễn Ngọ, cụ bà Phạm Thị Vượng có địa chỉ trên. Năm 1964, ông bà ngoại tôi mua mảnh đất này với diện tích 224,3m2. Khi ông, bà ngoại tôi lần lượt mất đi, không để lại di chúc cho 2 con gái của các cụ là Nguyễn Thị Vị và Nguyễn Thị Nhị.
Chị Ngọc chỉ khu đất vườn sắp bị cưỡng chế |
Theo chị Ngọc, quá trình sinh sống, chị Ngọc đã cùng với mẹ khai hoang, lấp hố bon mở rộng ra xung quanh. Đến năm 1996, thửa đất của gia đình chị có tổng diện tích 758m2. Thời gian này UBND huyện Diễn Châu đã cấp sổ đỏ cho gia đình mang tên mẹ và em trai chị Ngọc.
Năm 2017, bà Nhị có đơn khởi kiện ra TAND huyện Diễn Châu, yêu cầu chia tài sản thừa kế do ông, bà chị Ngọc để lại. Qua hai cấp xét xử, ngày 26/1/2018, TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm đã tuyên hủy GCNQSDĐ của UBND huyện Diễn Châu cấp cho bà Nguyễn Thị Vị và Nguyễn Mạnh Hùng. Buộc bà Vị, anh Hùng trả lại thửa đất trên cho đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Chia thừa kế theo pháp luật cho bà Vị 526,3m2; bà Nhị được chia 224,3m2.
Theo chị Ngọc, qua 2 phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm đều có tính đến công sức tôn tạo, cơi nới diện tích đất cho bà Vị và anh Hùng. Và đều chia cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Hùng một phần trong số tài sản đó. Sau khi đọc bản án của tòa chị Ngọc mới phát hiện mình cũng có công sức trong đó, nhưng tòa đã bỏ sót về phần tố tụng, không đưa chị Ngọc vào là người có quyền lợi liên quan.
Ngày 11/2/2019 chị Ngọc đã có đơn khởi kiện đến TAND huyện Diễn Châu để chia quyền tài sản; Đơn khiếu nại dừng việc thi hành án giữa bà Vị và bà Nhị để Tòa chia quyền tài sản cho chị Ngọc. Tuy nhiên Chỉ Cục THADS huyện Diễn Châu vẫn ra công văn cưỡng chế.
Đơn tố cáo của chị Ngọc gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Cũng theo chị Ngọc cho biết, ngày 6/3/2019, Chấp hành viên Cao Thanh Bình đã hướng dẫn chị Ngọc làm đơn khởi kiện ra tòa. TAND huyện Diễn Châu đã tổ chức hòa giải nhưng không thành và có công văn gửi tòa án Cấp Cao tại Hà Nội xin ý kiến giải quyết.
Trong khi đang chờ cơ quan có thẩm quyền là tòa án cấp cao tại Hà Nội thì cơ quan THADS huyện Diễn Châu lại cố tình đưa ra cưỡng chế, cố tình không thực hiện theo khoản 1, điều 75 Luật thi hành án dân sự năm 2015. Việc làm này của Chi cục THADS huyện Diễn Châu khiến chị Ngọc và những người trong gia đình không khỏi nghi ngờ có điều gì đó không bình thường?.
“Trong lúc tôi đã có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng chưa kịp trả lời và chỉ có 5 ngày ra luôn quyết định cưỡng chế kể từ ngày có thông báo. Tại sao phải vội vàng như vậy, đây là việc làm không vô tư minh bạch, không làm đúng theo quy định của pháp luật…?” - Chị Ngọc bức xúc nói.
Ngày 14/3, sau khi cưỡng chế xong, lực wlowngj chức năng đã cho xây tường phân chia mốc giới 2 nhà |
Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 13/3, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô tìm đến Chi cục THADS huyện Diễn Châu. Tại đây vị lãnh đạo của chi cục cho biết, theo quy chế phát ngôn thì Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Diễn Châu không có quyền mà phải là Cục THADS tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên vị này cũng khẳng định, Chi cục THADS huyện Diễn Châu tổ chức cưỡng chế đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu được chia tài sản là hợp pháp
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Thắng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong 2 phiên tòa xét xử sở thẩm và phúc thẩm, về mặt tố tụng đều đưa anh Nguyễn Mạnh Hùng (con trai bà Vị) vào làm người có quyền lợi liên quan trong vụ án và được chia một phần tài sản do xác định có công sức đóng góp, khai hoang, mở rộng diện tích đất. Trong khi đó chị Tạ Thị Ngọc là con gái của bà Vị và là chị của anh Hùng và cũng là người có công trong việc khai hoang, mở rộng diện tích đất như anh Hùng lại không được đưa vào là thiếu sót.
Luật sư Thắng cho rằng, việc chị Ngọc có đơn khởi kiện ra TAND huyện Diễn Châu yêu cầu được chia một phần tài sản trong khối tài sản chung trong vụ án chia thừa kế nói trên là chính đáng và hợp pháp…
Cơ quan THADS huyện Diễn Châu cưỡng chế buộc bà Vị phải giao đất cho bà Nhị là không thực thi theo đúng các quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2015 quy định, hướng dẫn, giải quyết cụ thể về những phát sinh tranh chấp trong giai đoạn cưỡng chế thi hành án.
Viện dẫn cho quan điểm trên, Luật sư Thắng nêu, tại Khoản 1, Điều 75, Luật thi hành án dân sự năm 2015 hướng dẫn và quy định: “1. Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Tòa án hoặc Cơ quan có thẩm quyền...”
Điểm d, Khoản 1, Điều 48, Luật thi hành án dân sự năm 2015 quy định điều kiện để hoãn thi hành án đó là: “Tài sản để thi hành án được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này”.
“Như vậy trong vụ việc này chị Ngọc đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án huyện Diễn Châu, Tóa án đang tiến hành xem xét, giải quyết “thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Tòa án hoặc Cơ quan có thẩm quyền” (Điều luật nêu trên). Vậy trong giai đoạn chị Ngọc đang chờ TAND huyện Diễn Châu giải quyết thì Cơ quan thi hành án huyện Diễn Châu không được cưỡng chế thi hành án, việc cưỡng chế thi hành án là trái thẩm quyền mà Luật đã quy định”. Luật sư Thắng nhấn mạnh.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đề nghị Tòa án cấp cao tại Hà Nội và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.