Chiến lược hạn chế bệnh nhân suy thận mạn tử vong vì mắc Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng
TS. BS Lương Quốc Chính đưa ra lý giải, phần lớn các trường hợp tử vong này đều có bệnh lý nền suy thận mạn hay còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (end stage renal disease) cần phải lọc máu chu kỳ. Ngoài virus SARS-CoV-2 ra, bất cứ virus hay vi khuẩn nào tấn công nhóm người này (thường gặp viêm phổi, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa...) sẽ kéo theo tình trạng bệnh của bệnh nhân xấu đi rất nhanh, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng... rất khó điều trị và kết quả cuối cùng là tử vong.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân suy thận mạn mắc Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng |
Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 2 tại Đà Nẵng, cụ thể là các bệnh viện tại Đà Nẵng, nhất là Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, virus SARS-CoV-2 tấn công thẳng vào nhóm bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực, khoa Nội thận - Tiết niệu, đơn vị Thận nhân tạo đã khiến nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ nhiễm bệnh.
Hai tuần đầu kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngày nào Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng công bố có thêm người bệnh suy thận mạn nhiễm SARS-CoV-2; Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đều phải tiếp nhận bệnh nhân suy thận mạn nhiễm SARS-CoV-2 để điều trị và lọc máu tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, trong đó không ít bệnh nhân đã tử vong.
Trước tình hình đó, đoàn công tác đặc biệt của Bệnh viện Bạch Mai do Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn chỉ đạo đã cùng Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng họp bàn, khảo sát, đánh giá và nhận thấy hiện tượng lây chéo trong bệnh viện ở nhóm bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ vẫn đang diễn ra.
Để chấm dứt hiện tượng lây chéo trong bệnh viện, giảm tới mức tối đa các trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 có suy thận mạn, để giảm thiểu các trường hợp nặng và đặc biệt là không để bệnh nhân Covid-19 tử vong thêm, ngoài giải pháp giảm tải cho tâm dịch, biện pháp giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần phải lọc máu khẩn trương được thực hiện.
Giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần phải lọc máu ở đây có nghĩa là: Chia các đối tượng bệnh nhân suy thận mạn thành nhiều nhóm nhỏ ngay từ nơi cách ly cho tới mỗi ca lọc máu trong bệnh viện; Giám sát không cho nhóm đối tượng này tiếp xúc gần với nhau từ nơi cách ly tới trong bệnh viện; Tạo các lối đi riêng từ nơi cách ly tới bệnh viện cho các đối tượng này;Phát hiện sớm, cách ly theo phân tầng nguy cơ lây nhiễm từ nơi cách ly cho tới trong bệnh viện; Cách ly tại cơ sở y tế điều trị Covid-19 các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để điều trị và lọc máu.
"Mặc dù chưa khẳng định sẽ không có thêm trường hợp suy thận mạn cần lọc máu nhiễm SARS-CoV-2 nhưng đã một tuần rồi chúng ta chưa ghi nhận thêm trường hợp Covid-19 có suy thận mạn nào. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm làm giảm thiểu số trường hợp mắc Covid-19 nặng và giảm, kìm hãm số trường hợp tử vong vì Covid-19", TS. BS Lương Quốc Chính cho biết.