Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh
Hà Nội: Các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú từ đầu tuần tới Phụ huynh, học sinh vui mừng, trường học trong tâm thế sẵn sàng |
Khắc phục những khó khăn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống và tâm lý cho học sinh sau thời gian học trực tuyến kéo dài, UBND quận Ba Đình yêu cầu các cơ sở giáo dục yêu cầu tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy mạnh tư vấn tâm lý cho học sinh khi đi học trực tiếp.
Thầy cô, gia đình thường xuyên quan tâm, chia sẻ, gần gũi để nắm bắt tâm tư, tình cảm và động viên học sinh, tạo ra cảm giác tích cực về thành tích của học sinh (Ảnh: Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương rạng rỡ trong ngày đi học trực tiếp trở lại) |
Theo đó, UBND quận yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn và Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX tập trung chỉ đạo một số nội dung cụ thể: Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Ket luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho học sinh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tiếp tục thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
UBND quận cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục công dân, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan.
Các cơ sở giáo dục tăng cường vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, giáo viên các bộ môn; Phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý, nhà giáo về đạo đức, lối sống, không dạy thêm, học thêm trái quy định; Đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh.
Thầy cô, gia đình quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia các câu lạc bộ theo sở thích (thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, đọc sách...), các diễn đàn, tọa đàm nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, thái độ sống.
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công tác quản lý, giáo dục kỹ năng sống trên môi trường mạng; Thường xuyên quan tâm, chia sẻ, gần gũi để nắm bắt tâm tư, tình cảm và động viên các con, tạo ra cảm giác tích cực về thành tích của học sinh; Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường, phù hợp với lứa tuổi theo lớp, cấp học và đối tượng học sinh.
Cha mẹ, thầy cô tăng cường mối liên lạc để hợp tác chặt chẽ nhằm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh thời gian học trực tuyến ở nhà và thời gian các con tới lớp học trực tiếp. Từ đó, nhà trường đưa ra các phương pháp, cách thức tham vấn tâm lý phù hợp, đúng thời điểm đối với học sinh; Triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh trên địa bàn quận.