Chuẩn bị gì để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai?
Hội đồng Anh chính thức công bố những cá nhân và tổ chức đoạt giải thưởng ELTons 2024 Tập hợp 90 từ tiếng Anh sử dụng nhiều nhất 9 thập kỷ qua Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo |
Tiếng Anh - công cụ đắc lực trong xu thế hội nhập
Việc dạy và học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong các trường học đã trở thành một vấn đề được quan tâm rộng rãi, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Các chính sách và phương pháp tiếp cận việc dạy tiếng Anh ở mỗi nước đều mang tính đặc thù, phản ánh sự phức tạp của hệ thống giáo dục và nhu cầu của từng quốc gia.
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần một lộ trình đồng bộ và bền vững (Ảnh minh họa) |
Tại nhiều quốc gia, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục và được giảng dạy từ rất sớm. Đơn cử, tại Indonesia, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy từ bậc tiểu học như một ngôn ngữ thứ hai.
Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa các khu vực phát triển như Jakarta và Surabaya với các vùng nông thôn vẫn là một vấn đề nổi bật. Ở các thành phố lớn, học sinh có cơ hội học tập trong môi trường hiện đại với giáo viên bản ngữ và cơ sở hạ tầng tốt hơn, giúp họ có thể phát triển kỹ năng tiếng Anh một cách hiệu quả.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, chất lượng giảng dạy còn hạn chế do thiếu hụt giáo viên có trình độ và cơ sở vật chất giáo dục kém phát triển.
Còn tại Trung Quốc, tiếng Anh là môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học. Chính sách giáo dục của Trung Quốc coi dạy tiếng Anh như một công cụ không chỉ để giáo dục mà còn để quản lý văn hóa.
Học sinh Trung Quốc thường phải đối mặt với áp lực lớn từ các kỳ thi và yêu cầu học tập, khiến việc phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh bị hạn chế.
Trong các trường học hiện đại tại các thành phố lớn, chương trình giảng dạy tiếng Anh đã bắt đầu tích hợp các phương pháp học toàn diện hơn, tập trung nhiều hơn vào kỹ năng nghe - nói.
Ở Việt Nam, tại Kết luận số 91-KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Đây là một mục tiêu, nhiệm vụ được đánh giá là đột phá, có vai trò quan trọng và cũng đầy thách thức.
Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), mặc dù có nhiều lựa chọn ngôn ngữ nhưng thực tế trên toàn quốc có hơn 95% học sinh vẫn chủ yếu học tiếng Anh, điều này cho thấy sự ưu tiên lớn của hệ thống giáo dục và xã hội đối với ngôn ngữ này.
Cần có giải pháp và định hướng
Mặc dù nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết tuy nhiên đối với hệ thống giáo dục phổ thông, nhiệm vụ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học từ miền xuôi tới miền ngược, từ đồng bằng tới vùng núi là điều không dễ dàng.
Giờ học tiếng Anh của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Thành Đô |
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, để thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị cần có nhiều năm nghiên cứu và phát triển mô hình phù hợp bởi mỗi địa phương sẽ có những điều kiện và đặc thù riêng.
“Chúng ta cần làm từng bước để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, sau đó mới tiến tới việc phổ cập tiếng Anh toàn dân”, thầy Khang nhận định.
Nhiều giáo viên thẳng thắn nhìn nhận: Đội ngũ giáo viên tiếng Anh của Việt Nam còn đang thiếu và chưa đồng đều về chất lượng. Các thầy, cô cũng cần liên tục trau dồi nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy để đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, nguồn lực ngân sách còn thiếu thì việc chúng ta huy động sức mạnh và nguồn lực của các tổ chức giáo dục hoạt động trong lĩnh vực này cùng tham gia vào công cuộc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh là điều rất cần thiết.
Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, chúng ta cần có các giải pháp và định hướng. Trong đó, xu hướng xã hội hóa và giảng dạy các môn học khác nhau bằng tiếng Anh là cần thiết.
Đối với giáo dục đại học, cao đẳng, trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhiều trường đại học đã và đang chủ động nâng cao việc đào tạo nhân lực ngành ngôn ngữ Anh có trình độ để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Như tại trường Đại học Thành Đô, với ngành Ngôn ngữ Anh, một trong những ngành học "hot" thì trong chương trình học, sinh viên sẽ trược trang bị và phát triển vốn tiếng Anh một cách toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hiểu biết nền tảng về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, con người.… của nước Anh và các nước sử dụng tiếng Anh.
Đồng thời, sinh viên được trang bị thêm các kiến thức bổ trợ về kinh tế, tài chính ngân hàng, nhà hàng khách sạn, xuất nhập khẩu, quan hệ quốc tế…
Với quá trình đào tạo bài bản, sinh viên sẽ được trang bị vốn từ phong phú cùng những kiến thức liên ngành giúp các em tự tin và thông thạo trong giao tiếp với người nước ngoài.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho biết: Với vai trò của một đơn vị giáo dục, trường Đại học Thành Đô luôn xác định rõ về tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và mong muốn đóng góp vào hành trình hiện thực hóa mục tiêu quốc gia đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Chúng ta cần có tư duy đúng về việc học và sử dụng tiếng Anh thì mới có thể có mục tiêu đúng, có động lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu thì việc học khi đó mới có hiệu quả.
“Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là một hành trình đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều đơn vị, từ nhiều yếu tố và những thách thức trên hành trình ấy là không nhỏ như bài toán xã hội hoá giáo dục, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ...
Vì vậy, cần phải có một chính sách bài bản đi từng bước theo lộ trình mới tiếp cận được một cách đầy đủ và đúng hướng”, PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo nhấn mạnh.