Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo thiên tai
Chuyển đổi số chủ động ứng phó với thiên tai
Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo, triển khai ứng phó mưa lũ, sạt lở đất…là hoạt động đang được Đà Nẵng hết sức chú trọng.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã phối hợp Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ lắp đặt các trạm đo mực nước sông Túy Loan (tại cầu Túy Loan, Hội Yên); sông Cu Đê (tại cầu Tà Lang - Giàn Bí, cầu Trường Định) để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ, nhất là cảnh báo lũ quét.
Văn phòng cũng đã phối hợp Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) triển khai lắp đặt 21 hệ thống quan trắc lượng mưa và tự động cập nhật lượng mưa lên hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng toàn quốc Vrain (www.vrain.vn) để phục vụ công tác cảnh báo mưa lớn, ngập úng, lũ lụt, sạt lở đất...
Đà Nẵng khởi công xây dựng 2 hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) và Tứ Câu (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn). |
Đáng chú ý, từ năm 2019, WATEC phối hợp Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng lắp đặt thí điểm 2 hệ thống cảnh báo lũ tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến và tại khu vực tràn hồ Đồng Nghệ, hạ du tràn ở thôn An Châu, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang).
Qua các đợt lũ năm 2019, 2020 và các đợt mưa lớn trong năm 2021, các trạm cảnh báo lũ tự động đã hoạt động hiệu quả, cảnh báo sớm cho nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.
Theo đó, vị trí thường xuyên xảy ra ngập lũ, lụt được lắp đặt cảm biến thông minh. Khi lũ, lụt dâng lên tới các vị trí thước đo cảm biến thì loa và đèn báo hiệu sẽ tự động phát đi các cảnh báo bằng âm thanh và ánh sáng đèn cho người dân biết, không đi qua đoạn đường bị ngập để tránh bị tai nạn đáng tiếc.
Hệ thống cảnh báo lũ thông minh này dựa trên ứng dụng IoT với công nghệ kết nối không dây LoRa (Long Range radio). Các cảm biến đo mưa, đo mực nước và thiết bị cảnh báo được kết nối không dây và phát cảnh báo theo các mức đã được cài đặt sẵn tại khu vực bị lũ lụt mà không bị phụ thuộc vào mạng viễn thông.
Ngoài ra, thiết bị điều khiển được kết nối với nền tảng quản lý qua giao tiếp 3G, 4G, từ đó cho phép truy xuất dữ liệu về tình trạng vận hành hệ thống và lũ lụt qua internet.
Mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam
Vào đầu tháng 3/2022, UBND thành phố Đà Nẵng và Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã khởi động dự án Xây dựng Trung tâm Tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng (Trung tâm Ensure Đà Nẵng) với tổng kinh phí 259,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc viện trợ hơn 246,8 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố gần 12,5 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án Trung tâm ENSURE là tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư; đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Ngoài việc cung cấp thông tin kịp thời, dự án giúp phục hồi đô thị xanh dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển bền vững đô thị sinh thái, bảo vệ môi trường; góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.
Đoàn chuyên gia khảo sát các vị trí đề xuất lắp đặt camera AI và hệ thống giám sát mực nước, cảnh báo lũ lụt tại Đà Nẵng |
Các chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với các sở ngành, địa phương sẽ thiết lập hệ thống quản lý cuộc gọi khẩn cấp; hệ thống thông tin quản lý thiên tai, thảm họa đô thị; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thiên tai, thảm họa, cơ sở dữ liệu không gian đô thị 2D/3D trên nền GIS; hệ thống CCTV, camera, cảm biến, trạm đo mưa, đo độ mặn để phục vụ giám sát hiện trường. Thông qua đào tạo và chuyển giao công nghệ, TP Đà Nẵng tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, tăng nguồn nhân lực chất lượng...
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá đây là mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam.
Từ việc phát hiện cảnh báo sớm, dự báo xu hướng về thiên tai, dự án sẽ giúp lãnh đạo TP Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung có chỉ đạo, điều hành kịp thời trong tình huống khẩn cấp, qua đó cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho người dân để phòng tránh, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng đô thị thông minh tại TP Đà Nẵng, kết nối đồng bộ với mạng lưới các đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.