Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh cần kỹ lưỡng, sáng tạo
LHP Quốc tế Hà Nội hướng tới "Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh" Giới thiệu di sản Việt Nam được UNESCO công nhận qua điện ảnh Nâng tầm chất lượng và quy mô, điểm hẹn điện ảnh thế giới |
Thiếu tác phẩm hay khiến khán giả phải xem phim nước ngoài
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim.
Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo |
Hoạt động này còn quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của Nhân dân.
Hình ảnh trong phim "Đào, phở và piano" |
Quy định trên cũng góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam, có thể thấy không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Diễn viên Tố Uyên trong phim "Con chim vành khuyên" |
Tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: "Chị Tư Hậu" (từ truyện ngắn "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Bùi Đức Ái); "Con chim vành khuyên" (từ truyện ngắn "Câu chuyện một bài ca"); "Mẹ vắng nhà" (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); "Bến không chồng" (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); "Trăng nơi đáy giếng" (từ tác phẩm văn học của Trần Thuỳ Mai), "Mê Thảo - thời vang bóng" (từ truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân) hay Đừng đốt (dựa trên cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)…
Những tác phẩm trên là ví dụ về việc chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công, thể hiện sự sáng tạo trong việc chuyển từ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.
Diễn viên Trà Giang trong phim "Chị Tư Hậu" |
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: "Sao tháng 8"; "Hà Nội mùa đông năm 46"; "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như "Long Thành cầm giả ca"; "Những người viết huyền thoại"; "Mùi cỏ cháy"; "Đào phở và piano"…
Tuy vậy, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nhận định điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử. Đó cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo |
Chính bởi thế, thông qua hội thảo, những nội dung trao đổi sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7. Hoạt động này giúp ngành Điện ảnh Việt Nam có được những nhận thức mới, những kinh nghiệm của Điện ảnh các nước trong việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Phải kết nối được cảm xúc của nhân vật với cuộc sống
Hội thảo được chia thành 2 phiên thảo luận với hai chủ đề: Làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, những thách thức và cơ hội; Kinh nghiệm của điện ảnh các nước và các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài này.
Tại Hội thảo, các nhà làm phim, đạo diễn đã chia sẻ những thách thức đối với người làm phim đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học như việc làm sao để khán giả hiểu phim điện ảnh về lịch sử khác với phim tài liệu, không so sánh với kịch bản văn học và quyền sáng tạo một số chi tiết để tác phẩm điện ảnh thêm hấp dẫn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng có những tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ sáng tác của ông như "Mùa hoa cải ven sông'', “Xứ sở cây ổi còng”. Đến với hội thảo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định dòng phim về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học rất đáng trân trọng. Mỗi khi xem một tác phẩm chuyển thể hoặc về lịch sử, ông luôn tìm lại bản gốc hoặc tìm hiểu sự thật lịch sử để mở rộng thông tin, kiến thức.
Để lan tỏa tác phẩm và tạo sự mới mẻ, mở rộng tầm ảnh hưởng, hầu như các nhà văn đều mong muốn sáng tác của mình được chuyển thể sang điện ảnh nhưng việc chuyển thể hoặc làm phim về lịch sử gặp nhiều thách thức, từ chính các nhà làm phim, tác giả, khán giả, nhà sản xuất, nhà quản lý…
Các đại biểu với những chia sẻ tâm huyết về phim chuyển thể từ tác phẩm văn học |
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều việc ít tác phẩm điện ảnh về đề tài này hay là do đôi khi các nhà làm phim của ta còn bó buộc vào nội dung tác phẩm gốc hoặc lịch sử, ngại sự phản ứng của dư luận hay tác giả. Điều này làm kìm hãm sự sáng tạo.
“Để có tác phẩm hay thì nhà làm phim phải có sự sáng tạo, tạo dựng đời sống cho nhân vật, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và không đi ngược với bản gốc, đồng thời tin vào con đường sáng tạo của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Tham gia nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cùng quan điểm cho biết, đây là dòng phim có giá trị cho sự phát triển nền điện ảnh, kết nối thời đại trước với ngày nay. Ai trong ngành điện ảnh cũng ôm ấp dự định làm phim về đề tài này nhưng còn lo lắng, băn khoăn, bởi nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, không chấp nhận sự sáng tạo…
Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm làm phim đề tài lịch sử |
Chia sẻ kinh nghiệm, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng làm phim về những đề tài này, đạo diễn phải là người tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhất về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử rồi mới bắt tay vào sáng tạo. Đó chính là đạo đức nghề nghiệp. Khi sáng tạo phải kết nối được cảm xúc của nhân vật với cuộc sống, không thần thánh hóa nhân vật.
Cũng trong cuộc bàn luận về vấn đề khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, các đạo diễn, nhà sản xuất cũng chia sẻ những khó khăn trong việc đầu tư cho phim lịch sử, vừa tốn kém vừa mang tính rủi ro cao là lý do khiến phim lịch sử thiếu vắng trong nền điện ảnh Việt Nam.
Các nhà làm phim, các đạo diễn cũng bày tỏ thẳng thắn về việc mong chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phim về đề tài lịch sử, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có cơ hội phát triển. Theo đó, việc dự kiến tăng thuế VAT đối với sản phẩm văn hóa, thể thao đang là 1 trong những cản trở đối với sự phát triển của điện ảnh.