Cô gái trẻ được ghép phổi ngày 30 Tết đã xuất viện
Sau 1 tháng 20 ngày được chăm sóc hậu phẫu tại Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân Phạm Anh Thư đã hoàn toàn khoẻ mạnh và được xuất viện.
Bệnh nhân Anh Thư xúc động nói lời cảm ơn tới TS. BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, các y bác sĩ trong ngày bệnh nhân được xuất viện. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, cô gái trẻ Anh Thư xúc động chia sẻ: “Cháu rất vui mừng khi hôm nay được ra viện sau khi trải qua cuộc đại phẫu thuật vào đêm 30 Tết vừa qua. Hiện tại, cháu rất khỏe mạnh, hạnh phúc khi được sống với lá phổi mới và tràn đầy năng lượng trong từng nhịp thở.
Cháu sẽ tiếp tục được đi học như bao bạn bè khác. Cháu xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới bác sỹ Lượng, Giám đốc Bệnh viện và toàn thể các y, bác sĩ, điều dưỡng đã luôn tận tâm, chăm sóc cho cháu từ công tác điều trị phục hồi sức khoẻ đến công tác vệ sinh ăn uống và yêu thương cháu như chính con em ruột của mình.
Con cảm ơn gia đình đã luôn bên con trong suốt thời gian ốm đau vừa qua. Cháu rất biết ơn và sẽ cố gắng sống một cuộc sống thật tốt để xứng đáng với bao nỗ lực của các bác sỹ và của người đã hiến tặng lá phổi cho cháu”.
TS. BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chúc mừng Anh Thư trong niềm xúc động: Hành trình ghép phổi để cứu sống cô gái này đã mang đến cho những người thầy thuốc vô vàn cảm xúc.
Ngay khi nhận được thông tin có người hiến tạng, Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động gần một trăm nhân lực trực tiếp tham gia đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
Sau khi hội chẩn với GS. Jasleen, Giám đốc Trung tâm ghép phổi UCSF là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây nước Mỹ, Bệnh viện Phổi Trung ương đã quyết định khởi động ca ghép phổi này.
Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ.
Quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng...
Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.
TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chụp ảnh cùng các y bác sĩ, bệnh nhân Anh Thư và gia đình bệnh nhân trong niềm vui ngày bệnh nhân được xuất viện |
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói riêng và góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; mở ra cơ hội cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được.
Từ đây, các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi ở nước ta sẽ đúng theo tiêu chuẩn của các nước phát triển.