Cô giáo Tổng phụ trách Đội được đề cử xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2019
Lớp học của cô giáo Lê Thị Hòa
Bài liên quan
Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội khai giảng năm học mới
Chuẩn bị thi tuyển, xét tuyển viên chức cơ sở giáo dục công lập
Tây Hồ tuyên truyền trong các trường học thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử
Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong xu thế toàn cầu hóa
Hà Nội đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục
Thêm 20 trường tiểu học tại Nghệ An hưởng lợi từ việc trang bị tủ sách trong nhà trường
Cô giáo Lê Thị Hòa |
Đồng cảm từ tuổi thơ cơ cực…
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Lê Thị Hòa từng giảng dạy hợp đồng tại nông trường Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Một năm sau đó, chị về công tác tại trường Tiểu học Trường Yên. Tại đây, ngoài công việc giảng dạy các em học sinh trong trường cô còn được nhà trường cử phụ trách giảng dạy một lớp học cho 9 em khuyết tật. Đến năm 1997, cô chuyển công tác về giảng dạy tại trường Tiểu học Đông Sơn.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, cô Hòa chia sẻ: “Bố mẹ mình đều là trẻ mồ côi. Thời chế độ cũ, bố đi ở đợ cho người ta, chỉ học đến lớp 5. Mẹ không biết chữ nhưng bố mẹ đã nuôi 6 anh chị em mình ăn học đến nơi đến chốn. Thấu hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi của những trẻ em đặc biệt nên mình luôn đau đáu ước mong được giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn”. Đó cũng là lý do khơi nguồn và tiếp lửa cho cô giáo Tổng phụ trách Đội gắn bó 13 năm với lớp học tình thương miễn phí.
Lớp học ấy được đặt ngay tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Vốn là phật tử thường xuyên đến chùa, cô giáo Hòa đã bàn với Nhà sư Thích Đàm Tiền tìm cách giúp cho những đứa trẻ không may mắn đó được biết chữ. Tâm nguyện này đã được nhiều người dân trong vùng và chính quyền ủng hộ. Sư Thích Đàm Tiền sửa sang lại gian nhà tiếp khách của chùa thành lớp học, đến từng ngôi trường trong xã để xin những chiếc bàn ghế, bảng cũ... Ngày 14/9/2007, lớp học mang tên “Tình thương” ra đời trong ngôi chùa Hương Lan, ban đầu với 8 em khuyết tật tuổi từ 7 đến 20. Cô Hòa đi vận động các thầy, cô trong trường bớt chút thời gian để kèm các em.
Chỉ trong vòng 1 tháng, nghe trong chùa Hương Lan có lớp học tình thương, các bậc phụ huynh đã mang con em đến nhờ cô giáo Hòa dạy. Có em câm điếc bẩm sinh, có em thiểu năng trí tuệ và lại có em mắc chứng bệnh down, chưa từng đến lớp và những học sinh kém “ngồi nhầm” lớp. Những học sinh “ngồi nhầm” lớp chủ yếu là con em các gia đình nghèo, bố hay mẹ mất sớm hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu đứng lớp ở lớp học đặc biệt này, cô Hòa chia sẻ: “Có nhiều em bị mắc các bệnh như down, thiểu năng trí tuệ nên quá hiếu động, không kiểm soát được bản thân và nhận thức chậm. Với học sinh ấy, tôi phải tạo sự gần gũi, lắng nghe chia sẻ của các em để chúng tránh bị áp lực. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại vì các cháu bị mắc bệnh nên trí nhớ kém và ngờ nghệch, không giám sát được các em đi đâu, làm gì, sinh hoạt ra sao nên chưa thực sự tin tưởng”.
Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
Lớp học hoàn toàn miễn phí. Tiếng lành đồn xa, những gia đình có con khuyết tật không thể đến trường lần lượt mang con đến xin học. Thời điểm cao nhất có hơn 60 học sinh từ nhiều xã trong huyện theo học xã Đông Sơn, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Ngọc Hòa, Trung Hòa và có cả các em ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Phòng khách của chùa Hương Lan chỉ vỏn vẹn 18 mét vuông, kê vừa đủ 10 chiếc bàn đôi. Số học sinh đông dần, lớp học ngày một chật chội. Các cô giáo chia số học sinh ra làm năm lớp, từ lớp một đến lớp năm. Mỗi lớp học một góc, quay về một hướng để tiện học bài. Bước sang năm thứ 13 lớp đi vào hoạt động, cô giáo Hòa vui mừng khi thấy các em đọc thông, viết thạo và hoà nhập với bạn bè ở trường.
Cô giáo Hòa tâm sự, do còn bận với lịch giảng dạy ở trường Tiểu học Đông Sơn nên lớp học đặc biệt thường diễn ra vào 2 buổi sáng thứ Bảy và Chủ nhật. Điều khiến cô giáo Lê Thị Hòa trăn trở nhất là làm sao duy trì được lớp học đó, làm sao để nâng cao được chất lượng cho học sinh, đặc biệt là các bạn học yếu. Cố gắng để lớp học phát huy được hiệu quả, giúp các em nâng cao được kiến thức biết đọc, biết viết một cách thuần thục. Vì thế, học sinh trong lớp học tình thương được cô giáo Hòa dạy dỗ chu đáo.
Kinh phí phần lớn do cô Hòa tự bỏ tiền lương hàng tháng để hỗ trợ cho các em về sách vở và đồ dùng học tập. Vì là lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt.“ Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em. Có những em dạy phải kèm với dỗ cho kẹo. Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, rớt rãi chảy quanh miệng, mình lại tắm giặt cho các em như một người mẹ. Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày ngoài giờ lên lớp là mình lại vào Internet, đọc sách báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Từ đó, mình rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em”, cô Hòa cho biết.
Với những đóng góp trên, liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, cô Lê Thị Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi; Tổng phụ trách Đội tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”. Năm 2017 được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của thành phố.
Những ngày cuối tháng 9/2019, cô Lê Thị Hòa liên tục nhận được những tin nhắn, cuộc gọi và lời chúc mừng từ đồng nghiệp, người thân khi được Ban Thi đua Khen thưởng, Sở Nội vụ TP Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019. Cô Hòa chia sẻ: “Thực sự mình không nghĩ mình làm việc để được khen thưởng. Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trái tim của một người mẹ, một nhà giáo. Mình hi vọng xã hội, cộng đồng sẽ cùng chung tay với mình để giúp đỡ trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn”…