Công an Bình Dương ra mắt tổ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cơ động
Phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) được xây dựng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy.
Nhận thấy được tính cơ động và hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, UBND phường Vĩnh Tân, TP Tân Uyên đã tổ chức lễ ra mắt Tổ phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cơ động.
Lễ ra mắt Tổ PCCC & CNCH cơ động |
Ông Đoàn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tân cho biết thời gian gần đây, một số phường trọng điểm của TP Tân Uyên đã ra mắt và hoạt động các tổ chữa cháy lưu động đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Tại phường Vĩnh Tân, Công an địa phương đã tham mưu xây dựng và ra mắt Tổ phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cơ động với 17 thành viên (trong đó một Phó trưởng Công an phường làm tổ trưởng) nhằm thực hiện tốt các biện pháp về phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ từ sớm, ngay từ ban đầu để hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn phường.
Mô hình “Điểm chửa cháy công cộng” phường Vĩnh Tân |
Lãnh đạo Công an TP Tân Uyên thông tin, tổ chữa cháy lưu động trong công tác phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố đánh dấu sự ra đời mô hình mới, đầu tiên trên địa bàn tỉnh, thể hiện tinh thần xung kích, phát huy sáng tạo quyết tâm phòng, chống “giặc lửa” ở địa bàn cơ sở.
Tổ Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cơ động phường Vĩnh Tân ra mắt đã tiếp thu những ý kiến đóng góp hoàn thiện hơn cho mô hình này, như: Trang bị về quần áo, giày, nón bảo hộ, các dụng cụ chữa cháy chuyên nghiệp hơn; các xe bồn nước có thể di chuyển cơ động, máy bơm hút nước nhỏ gọn hoạt động tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Để các tổ Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cơ động trên địa bàn hoạt động hiệu quả hơn, trong thời gian tới Công an TP Tân Uyên sẽ tổ chức tập huấn, xây dựng các phương án và tình huống có thể xảy ra để thành viên của các tổ thực hành thuần thục kỹ năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi phát sinh sự cố cháy, nổ.
Với mô hình này, cơ quan chức năng tại địa phương mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo cán bộ, nhân dân chấp hành các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về công tác phòng cháy chữa cháy và tôn vinh những cá nhân tiêu biểu trong phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy ở địa phương góp phần không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Phương châm “4 tại chỗ” nghĩa là cách định hướng, chỉ đạo về một vấn đề, tình huống hay một sự cố cụ thể về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại một đơn vị, địa phương, địa điểm nhất định. Chỉ huy tại chỗ: Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Đội trưởng Đội dân phòng, người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trong thời gian những người này vắng mặt. Lực lượng tại chỗ: Đó là tất cả người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư, mà nòng cốt là lực lượng dân phòng. Phương tiện tại chỗ: Chính là sự chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phục vụ cho công tác cứu người, cứu tài sản; Nguồn nước và các vật liệu chữa cháy gồm: Cát, nước, bình chữa cháy, xe chữa cháy… Vật tư và hậu cần tại chỗ: Là sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí; Các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. |