Công ty Thành An liệu có đủ sức làm dự án điện gió gần 1.700 tỷ đồng ở Quảng Trị?
Dự án điện gió lớn nhất Việt Nam đóng điện đường dây 500kV Nhiều tỉnh “sốt ruột” xin gia hạn áp dụng giá ưu đãi cho điện gió vì Covid-19 |
Ồ ạt làm điện gió
Ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã ký quyết định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và cho Công ty Cổ phần Điện gió Thành An thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Tân Hợp.
Theo quyết định, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép chuyển mục đích sử dụng 20,43 ha tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ được chuyển đổi khoảng 3,97 ha (bao gồm rừng trồng, đất trồng lâm nghiệp, đất khác nằm trong lâm nghiệp); diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất được chuyển đổi khoảng 16,48 ha.
Trong số diện tích đất được chuyển đổi, diện tích đất được chuyển đổi có thời hạn 50 năm là 9,49 ha; diện tích xin chuyển mục đích sử dụng tạm thời là 10,94 ha
Về hiện trạng diện tích rừng được chuyển đổi, hiện có 11,3 ha rừng đang trồng các loài cây thông nhựa bằng nguồn vốn dự án 327 từ các năm 1990, 1994, 1997, 1998 và rừng trống các loài cây thông hỗn giao keo, sao bằng nguồn vốn dự án 661 vào các năm 1999, 2007. Ngoài ra còn có khu vực trồng keo từ các năm 2015, 2018 và 2019 của các hộ gia đình, cá nhân quản lý.
Cũng tại quyết định, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Điện gió Thành An thuê hơn 4,8 ha đất để xây dựng công trình Nhà máy Điện gió Tân Hợp với thời hạn thuê đất đến ngày 15/12/2070, áp dụng hình thức trả tiền thuê đất theo thời hạn từng năm.
Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng làm dự án điện gió của UBND tỉnh Quảng Trị. |
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Trị, sau 12 tháng tính từ ngày được thuê đất, nếu Công ty Cổ phần Điện gió Thành An không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Công ty Cổ phần Điện gió Thành An phải hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng theo đúng quy định trước khi triển khai xây dựng công trình.
Trong quá trình triển khai và vận hành dự án, nhà đầu tư không được làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, đi lại của người dân và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án; không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các chủ đất liền kề và có biện pháp hoàn thổ mặt bằng, trồng cây xanh với các hạng mục phụ trợ.
Đối với phần đất giao thông là đường dùng chung đi lại trong khu vực, Công ty Cổ phần Điện gió Thành An không được rào chắn hay ngăn cản người dân đi lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp tại xã Tân Hợp và xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do Công ty Cổ phần Điện gió Thành An làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 15/12/2020.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.696 tỷ đồng, với diện tích đất đề xuất sử dụng là 24 ha (trong đó, diện tích sử dụng đất có thời hạn là 12,9 ha; diện tích sử dụng đất tạm thời là 11,1 ha). Sản lượng điện hàng năm dự kiến 150 triệu kWh.
Nhà máy có công suất dự kiến 38 MW gồm 10 tuabin gió, mỗi tuabin có công suất 3,8 MW và hệ thống điện trung áp đấu nối các tuabin vào trạm biến áp nâng.
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy
Được biết, Công ty Cổ phần Điện gió Thành An được thành lập ngày 29/6/2020 hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất điện. Ông Lê Văn Đài (SN 1979) là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Các dự án điện gió đang phát triển nóng |
Công ty Cổ phần Điện gió Thành An có vốn điều lệ 520 tỷ đồng và được góp vốn bởi ba cổ đông gồm: Công ty Cổ phần Thành An (huyện Gio Linh, Quảng Trị) góp 416 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ và hai cổ đông còn lại là ông Hoàng Tiến Thành và bà Lê Thị Thanh Thủy (cùng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị), mỗi người góp 52 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ).
Như vậy có thể hiểu rằng, Công ty Cổ phần Điện gió Thành An là công ty con của Công ty Cổ phần Thành An được thành lập ra để triển khai dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp.
Theo tài liệu của phóng viên, Công ty Cổ phần Thành An được thành lập năm 2006, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này có vốn đều lệ 724 tỷ đồng, sau khi tăng vốn từ 450 tỷ đồng.
Việc triển khai nhà máy điện gió đối với một doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khiến dư luận đặt ra dấu hỏi về năng lực thực hiện của nhà đầu tư cả về tiềm lực tài chính lẫn kinh nghiệm triển khai.
Thời gian qua, khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển ồ ạt các dự án điện gió. Việc phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo đã mang lại cho tỉnh Quảng Trị nguồn thu ngân sách khá lớn khi lần đầu tiên, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 gần bằng dự toán cả năm Trung ương giao.
Tuy nhiên, cũng chính việc cấp tập cấp phép, thi công ồ ạt nhà máy điện gió ở vùng cao Quảng Trị đã đặt ra nhiều mối lo. Trong đó, không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là quy hoạch chung, hiện nay nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời còn phải cắt giảm công suất khi dư thừa nguồn điện.
Đặc biệt, cần lưu ý việc phát triển các dự án điện gió theo phong trào mà nhiều lần Chính phủ đã yêu cầu các dự án điện gió phải đảm bảo mục tiêu chung; tuyệt đối tránh xảy ra tình trạng phát triển điện gió theo phong trào.
Trong đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc các dự án điện gió phải đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cho hệ thống và bảo vệ môi trường; lưu ý bám sát chủ trương, định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Nghị quyết 55/NQ-TW, để có đề án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp theo các giai đoạn quy hoạch.
Được biết, hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 2 dự án điện gió đã đi vào vận hành (tổng công suất 60MW), 25 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng (tổng công suất hơn 987MW), 4 dự án đang trình UBND tỉnh cấp chủ trương (tổng công suất 130MW).
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung 53 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực (tổng công suất hơn 2.853MW) và chấp thuận cho 7 dự án vào triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch (tổng công suất dự kiến khoảng 1.590MW).
Đáng nói, hầu hết các dự án điện gió chưa có đánh giá toàn diện tác động của môi trường đều này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Trong đó, riêng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có 22 dự án điện gió đang thi công cũng chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường.
Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8144,88MW. Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2021 có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 611,33MW đã vào vận hành thương mại; 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1912,05MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021. Bên cạnh đó, có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất là 5621,50MW dự kiến sẽ tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31/10/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 22/7/2021 mới có 61 nhà máy điện gió với tổng công suất là 3487,8MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày.
|