Cụ bà 78 tuổi tử vong do mắc sốt xuất huyết
Trong đó, toàn thành phố có 1 ca tử vong. Đó là nữ bệnh nhân 78 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não.
Hai ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân mệt nhiều, đau đầu, đau mỏi người kèm theo xuất huyết dưới da dạng chấm rải rác.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai |
Kết quả xét nghiệm PLT (số lượng tiểu cầu trong máu) giảm ở mức rất nghiêm trọng còn 5 G/L. Ngoài ra, siêu âm có hình ảnh dịch tự do ổ bụng, dịch màng phổi phải. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định truyền khối tiểu cầu.
Sau khi truyền 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân có khó thở, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh… Lập tức, bệnh nhân được xử trí cấp cứu, đặt ống nội khí quản và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Tuy nhiên, bệnh tiến triển ngày càng nặng, tiên lượng xấu nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Sau đó, bệnh nhân tử vong tại nhà. Đây là trường hợp thứ 4 mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm nay tại Hà Nội.
Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca)…
Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần, thành phố Hà Nội ghi nhận 113 ổ dịch tại 24 quận, huyện, thị xã, trong đó Đống Đa có 12 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (11 ổ dịch)… Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố có 1.419 ổ dịch; Hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã...
Các chuyên gia y tế nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới.
CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi; Phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hoá chất diệt muỗi.