Ghi nhận 2.601 ca sốt xuất huyết, Hà Nội đã đến đỉnh dịch?
Phối hợp phun hóa chất diệt muỗi
Cũng theo CDC Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có nhiều ổ dịch nhất từ đầu năm 2023 cho đến nay. Trong đó, Cầu Giấy (15 ổ dịch); Thanh Trì có 14 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (13 ổ dịch)…
Quận Hà Đông ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 250 ca, huyện Phú Xuyên 200 ca, huyện Thanh Oai 171 ca, huyện Thanh Trì 163 ca…
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết |
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 20.548 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó đã có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn.
Ngành Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.305 ổ dịch. Hiện còn 258 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện.
Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 523 bệnh nhân; Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 396 bệnh nhân…
Các chuyên gia y tế nhận định, thời tiết giao mùa như hiện nay, mưa và nắng đan xen tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Chỉ khi thời tiết chuyển lạnh mới góp phần hạn chế được sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, công tác phòng, chống dịch phải chủ động và quyết liệt. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi. Đồng thời, người dân phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc phun hoá chất diệt muỗi.
Các địa phương tích cực kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết
Trước đó, đoàn kiểm tra số 3 của Sở Y tế do đồng chí Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, luỹ tích từ đầu năm đến 10/10/2023, huyện ghi nhận 172 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 21/22 xã, thị trấn với 25 ổ dịch. Trong đó, 17 ổ dịch đã kết thúc hoạt động, 8 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, không có trường hợp nặng hay tử vong.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết |
Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm đã tiếp nhận và điều trị 227 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 203 trường hợp đã ra viện, 24 trường hợp đang được điều trị.
Huyện đã ban hành nhiều văn bản đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn; 100% các xã, thị trấn thực hiện rà soát, kiện toàn các đội xung kích, giám sát diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết với 1105 đội xung kích và 170 tổ giám sát; Thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết định kì kiểm tra, giám sát việc duy trì vệ sinh của các xã, thị trấn...
Đến nay, huyện đã kiểm tra 22 xã, 165 thôn, tổ dân phố và 05 cụm công nghiệp; Thực hiện điều tra, phun xử lý 25 ổ dịch, giám sát chỉ số BI, không để dịch bùng phát, lan rộng.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đánh giá huyện Gia Lâm đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, thể hiện qua số ca bệnh nằm trong 3 quận/huyện/thị xã có ít bệnh nhân nhất của thành phố. Tuy nhiên, với địa bàn có nhiều cụm công nghiệp, làng nghề Bát Tràng, Học viện Nông nghiệp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị huyện tiếp tục đầy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết thời gian tới.
Ngày 12/10, UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo Trung tâm Y tế (TTYT) quận Nam Từ Liêm, lũy tích từ đầu năm đến ngày 9/10, địa bàn quận ghi nhận 891 ca mắc, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (192 ca), trong đó một số phường ghi nhận số mắc cao như phường Phương Canh (198 ca); phường Mỹ Đình 2 (100 ca). Ghi nhận tổng số 64 ổ dịch, hiện còn 17 ổ dịch đang hoạt động.
Giám đốc TTYT quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, TTYT đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai giám sát trước, trong, sau mỗi đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình; Kiểm tra, giám sát chỉ số côn trùng (BI) thường xuyên liên tục tại khu vực ổ dịch, điểm nguy cơ, tuy nhiên chỉ số tại nhiều phường vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Trong thời gian tới, Giám đốc TTYT quận Nam Từ Liêm cho biết, TTYT tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch; Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội xung kích, tổ giám sát tại các phường vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Đồng thời, quận Nam Từ Liêm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết với nội dung, hình thức phong phú; Tập trung tuyên truyền trực tiếp như tổ chức họp dân, sử dụng loa kéo di động, phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đến từng hộ gia đình; Tuyên truyền cho đối tượng người thuê trọ, các công trình xây dựng, các hộ dân cư trú xung quanh các khu đất trống...