Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy 18 tấn hàng giả, không rõ nguồn gốc
Các sản phẩm hàng hóa vi phạm nằm trong diện tiêu hủy lần này
Bài liên quan
Hàng giả, hàng nhái tung hoành trên mạng xã hội
Xác lập chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết hàng lậu, hàng giả
Kỷ luật nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu
Hà Nội: Khởi tố 3 nhân viên Công ty Đức Anh buôn bán bảo hộ y tế phòng dịch Covid-19 giả
Hà Nội: Tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra hành vi sản xuất trang phục bảo hộ y tế giả
Trong hôm nay (3/6), tại Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh (thôn Cổ Chấm, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy 18 tấn hàng giả.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, hàng hóa bị tiêu hủy đợt này gồm: 200kg thuốc lá, xì gà, máy hút thuốc lá, bình hút shisha; 1.000kg thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm; 1.800kg quần áo, giày, túi, vải, băng vệ sinh, bông tẩy trang, tranh, cây vi tính, đĩa DVD; 11.000kg khí N20 (446 bình); 1.500kg rượu không rõ nguồn gốc, dầu ăn, siro; 2.500kg dầu nhớt thải, xăng không bảo đảm chất lượng…
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Hàng hóa vi phạm nằm trong diện tiêu hủy lần này là các mặt hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được phép lưu thông trên thị trường bị thu giữ từ cuối năm 2019.
Về phương án tiêu hủy, căn cứ theo từng chủng loại hàng hóa, Hội đồng xử lý tiêu hủy tang vật tịch thu, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã lựa chọn hình thức tiêu hủy phù hợp, bảo đảm đúng quy định và vệ sinh môi trường. Các mặt hàng khô sẽ tiêu hủy bằng cách nghiền nát và cho vào lò đốt. Loại hàng hóa là rượu, xăng được đổ vào hệ thống xử lý hóa chất. Bình khí N2O được tiêu hủy bằng cách xả khí ra ngoài sau đó xử lý vỏ bình".
Toàn bộ số hàng giả, không rõ nguồn gốc bị tịch thu đã được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của pháp luật |
Dưới sự giám sát của các thành viên hội đồng và các đơn vị liên quan, toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đã được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát mặt hàng nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tăng cường kiểm tra các vấn đề an toàn thực phẩm.
Trước đó, ngày 27/5, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp cùng thành viên tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ công tác 368) tiến hành kiểm tra đột xuất 4 cơ sở, gồm: Số 67 Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng; Số 44 Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng; 14A Trịnh Hoài Đức, quận Đống Đa và số 28 Khương Thượng, Đống Đa (Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 1.547 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas và Manchester United Limited. Ngoài ra, các cơ sở trên cũng sử dụng website aobongda.com và aobongda.net để kinh doanh các loại quần áo, giày và các dụng cụ dùng trong tập luyện thi đấu bóng đá.
Hiện Đội Quản lý thị trường số 1 và Tổ công tác 368 đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.