Đà Nẵng: Phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng môi trường làm phim thuận lợi
Hà Nội tổ chức hoạt động điện ảnh, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị năm 2023 TP Hồ Chí Minh: Khai mạc triển lãm kỉ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam |
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xác định điện ảnh sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của thành phố và góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch |
Chiều 10/5, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” với sự tham gia thảo luận của nhiều nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế về điện ảnh.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất - 2023 (DANAFF I) diễn ra từ ngày 9 - 13/5/2023 do UBND TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức.
Tạo cơ chế đặc thù, thuận lợi cho các nhà sản xuất phim
Phát biểu tại hội thảo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững và là kênh quảng bá hình ảnh điểm đến hữu hiệu đã được nhiều nước trên thế giới vận dụng thành công.
Những năm qua, Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 theo hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế , góp phần vào mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
"Với danh hiệu “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” trong nhiều năm liền do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn, trong tiến trình xây dựng thương hiệu “Thành phố sự kiện”, chúng tôi xác định điện ảnh sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của thành phố và góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch.
Để đạt được mục tiêu đề ra thành phố đã và đang có những quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh", bà Yến bày tỏ.
Quang cảnh hội thảo |
Thông qua hội thảo, bà Yến cũng mong muốn chào đón các đoàn làm phim trong nước và quốc tế tới khảo sát lựa chọn Đà Nẵng là bối cảnh quay phim.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ các đoàn làm phim trong quá trình khảo sát, lựa chọn bối cảnh quay cũng như huy động các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và ẩm thực, các danh lam thắng cảnh cùng góp sức để tạo nên một cơ chế đôi bên cùng có lợi và một số cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Điện ảnh giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của địa phương
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về các vấn đề như: Điện ảnh giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của địa phương; Điều kiện và mô hình phát triển công nghiệp điện ảnh địa phương, chính sách địa phương hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển tài năng điện ảnh…
Theo ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc chính sách công của Netflix Nhật Bản cho rằng một bộ phim có bối cảnh đẹp sẽ khiến khán giả muốn khám phá và tìm hiểu về địa danh đó. Bên cạnh đó, việc đặt bối cảnh phim và huy động diễn viên quần chúng là người bản địa tham gia cũng là cách để người dân quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương mình.
Ông Sugihara cũng cho rằng, một bộ phim khi đến ghi hình sẽ giúp các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng như người dân học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đoàn làm phim đẳng cấp quốc tế về tổ chức, sản xuất phim, kết nối diễn viên quần chúng hay xây dựng phim trường từ đó thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng phụ trợ.
Các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam |
Trong khi đó, ông Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho biết không chỉ doanh nghiệp lớn mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ cũng đang tham gia hoạt động sản xuất phim. Do đó, lợi nhuận mới sẽ được đưa vào cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương.
Cũng theo ông Jenner, Đà Nẵng đang phát triển đa ngành văn hóa và tôi nghĩ không ngành công nghiệp văn hóa nào có thể cạnh tranh với công nghiệp phim. Chính quyền Đà Nẵng nên nghĩ về tầm nhìn chiến lược cho việc phát triển này và kêu gọi địa phương để phát triển kinh tế.
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, Đà Nẵng là nơi có đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để phát triển điện ảnh. Về lâu dài, cần sớm có những cơ chế, chính sách cụ thể cho sản xuất phim như, ưu đãi thuế, hoàn thế, các hỗ trợ khác của địa phương… từ đó, thu hút các đoàn làm phim, đặc biệt là các đoàn làm phim nước ngoài.
Cũng tại hội thảo, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh.
Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa được luật vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp nhằm phát huy năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh.