Đà Nẵng: Tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi phụ huynh cần lưu ý những gì?
Đối tượng được tiêm vắc xin là trẻ em tuổi từ 12 đến dưới 18 hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài) có chỉ định sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, căn cứ vào khả năng cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch bệnh tại địa phương, dự kiến trong tháng 11, ngành Y tế Đà Nẵng sẽ tiêm cho khoảng 45.400 trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi; tháng12 sẽ tiêm cho hơn 56.700 trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Vắc xin tiêm cho trẻ là loại vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12 đến 18 tuổi theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế, vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản.
Nhằm đạt tiến độ tiêm chủng theo kế hoạch, ngành y tế Đà Nẵng và các địa phương đã bố trí khoảng 19 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và cơ sở y tế với hơn 120 bàn tiêm.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Đà Nẵng ban hành hướng dẫn thông tin cần biết về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Cụ thể, gia đình trẻ cần chuẩn bị thông tin bệnh lý của trẻ, thuốc trẻ đang dùng, tiền sử dị ứng với thuốc, thuốc ăn (nếu có), điền thông tin vào bảng kiểm và phiếu sàng lọc trước khi tiêm chủng, tải app Sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế.
Lưu ý, trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, phụ huynh không cho trẻ uống bất cứ thuốc gì thêm ngoài thuốc trẻ được bác sĩ kê toa (nếu có), không uống thêm vitamin, trẻ cần được ăn uống đầy đủ như bình thường.
Chuẩn bị các thông tin về tình trạng sức khỏe của trẻ, mang thẻ học sinh, mặc quần áo thoải mái tay ngắn, mang nước uống, tuân thủ nghiêm 5K và giãn cách, trấn an trẻ không lo lắng khi tiêm vắc xin, hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Đà Nẵng tiêm vắc xin mũi 1 phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi trước khi học sinh đến trường học trở lại (Nguồn danang.edu.vn) |
Đồng thời tại điểm tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước tiêm, trẻ nên được ngồi hoặc nằm trong khi tiêm và 15 phút sau khi tiêm, phụ huynh được yêu cầu ở lại tối thiểu 30 phút để quan sát trẻ nếu trường hợp bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cần điều trị ngay lập tức.
Các tác dụng phụ thường gặp sau tiêm như: Tại vị trí tiêm đau, đỏ, sưng, toàn thân mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn... gia đình trẻ cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng các loại thuốc để giảm các triệu chứng, giảm khó chịu do sốt, cho trẻ uống nhiều nước và ăn mặc thoáng.
Sau khi về nhà, gia đình trẻ chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ trong 3 tuần sau khi tiêm, trẻ cần hạn chế vận động mạnh, nếu thấy trẻ có vết đỏ hoặc vết thương nơi tiêm trở nên nặng sau 24 giờ hoặc các tác dụng phụ không biến mất sau vài ngày thì cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, cần có thời gian để cơ thể trẻ xây dựng sự bảo vệ sau khi tiêm phòng, tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi là cách thức hiệu quả để tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin, cần tuân thủ 5K để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng, chống dịch.