Đẩy mạnh sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử
Động lực chủ chốt trong nền kinh tế số
Trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng xã hội số, quốc gia số thì kinh tế số là một phần tất yếu không thể tách rời và có tính chất quyết định sự thành công của tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và chuyển đổi số.
Thương mại điện tử toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Năm 2024, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 20 - 25% một năm. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi hội thảo |
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt hơn 227 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng lên 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Tại hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử” do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp cùng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 8/11, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ đi ra toàn cầu.
Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Năm 2024, chủ đề chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ xác định là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo |
Trong tháng 6/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Với tinh thần “Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp hiến kế - Kinh tế phát triển”, thành phố Hà Nội xác định các mục tiêu và nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghệ số.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là việc tạo tập thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số. Trong thời gian qua, các cơ quan của thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Cam kết đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết: Thương mại điện tử là một lĩnh vực đầy tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế số, thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển nhiều chương trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Cụ thể, một số chính sách bao gồm phát triển hạ tầng công nghệ số, hỗ trợ thanh toán không tiền mặt và tăng cường bảo mật, thúc đẩy giao dịch điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử”, ông Lê Nam Trung nhấn mạnh.
Đại biểu tham luận tại hội thảo với chủ đề "Nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử Make in Viet Nam" |
Thông tin về thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn vừa qua, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho hay: Nhìn chung các DNNVV tại Hà Nội đã có nhận thức về chuyển đổi số nhưng quá trình chuyển đổi số còn rất thấp và chưa đạt như kỳ vọng. 35.75% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng, 39.45% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình. Tuy nhiên, chỉ 1.58% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa.
Tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi lẽ, công nghệ trên thế giới ngày càng đổi mới, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều đối thủ đã sở hữu nền tảng số hóa lớn mạnh.
Để tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường, doanh nghiệp cần phải ứng dụng các giải pháp chuyển số. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý và chi phí nhân sự. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng, sự phối hợp giữa các phòng ban và quản lý thông tin tốt hơn…
Các đại biểu giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tham dự hội thảo |
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp như: Hệ thống xác thực uy tín gian hàng thương mại điện tử; giải pháp thương mại điện tử đa kênh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực thương mại điện tử; phương pháp tăng trưởng bền vững với chiến lược thương mại điện tử đa nền tảng dành cho doanh nghiệp SMEs…
Việc tổ chức Hội thảo “Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa nói riêng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh thế số cho thành phố Hà Nội”.