Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể ngày càng nhiều
Cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”
Sáng 31/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đại biểu đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong báo cáo nhưng đại biểu đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) |
Do vậy, đại biểu Tuấn cho rằng cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.
Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, có hai nhóm cán bộ. Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Nêu các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và sợ vi phạm pháp luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ... đang là những vấn đề Chính phủ cần quan tâm hơn.
Cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm
Cũng phát biểu thảo luận tại hội trường, đồng tình với báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nêu rõ, báo cáo thẩm tra đã phản ánh khá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, những vấn đề kinh tế - xã hội đáng quan tâm và những giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2023.
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) |
Đề đạt được các mục tiêu trong năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; Phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Đại biểu cho rằng, đây là yêu cầu đặt ra rất khó khăn, trong khi chúng ta vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải bảo đảm lãi suất phù hợp với nền kinh tế thị trường và diễn biến của thị trường.
Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát. Đồng thời, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc đáp ứng dụng, sử dụng vốn và mức tăng trưởng tín dụng.
Theo đại biểu, Chính phủ cần một giải pháp hữu hiệu, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém; Cần có chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng và có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác có hiệu quả và lâu dài.
Với việc sử dụng nguồn thu từ đất, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng cần tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, kiên quyết không cho chuyển nguồn khi chưa làm rõ nguyên nhân và không chỉ nguồn trái quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng chuyển nguồn vốn qua các năm khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là lãng phí tài sản của các dự án để chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận thanh tra; các giải pháp căn cơ để khắc phục những tồn tại, vướng mắc về vấn đề xăng dầu, điện…
Hỗ trợ doanh ngiệp cải thiện dòng tiền
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Theo đại biểu, điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) |
Vì thế, đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: Thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường.
Về vốn vay của doanh nghiệp, theo đại biểu Tô Ái Vang, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có ba đợt giảm rồi lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay. Vì vậy, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng.
Tuy nhiên, tỷ lệ bắt buộc mà mỗi ngân hàng phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát, nên chỉ cần Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo, đã giúp các ngân hàng tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng.
Vì thế, theo đại biểu Vang, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Vấn đề thứ ba, đại biểu Tô Ái Vang đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế.
Bởi vì trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh thuế, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.
Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển tế xã hội các địa phương trong cả nước.
Trên cơ sở đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.