Nên giảm thuế VAT tất cả mặt hàng, ngân hàng phải "lăn lộn" cùng doanh nghiệp
Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng |
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng. Do đó, đại biểu đề xuất chính sách giảm 2% thuế VAT nên áp dụng với tất cả các lĩnh vực.
"Các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối nhau, chúng ta nện chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng", ông Ngân chia sẻ.
Theo ông Ngân, trong 3 năm qua doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, do đó chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết căn cơ các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể.
"Chúng ta không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác", đại biểu Ngân nói.
Cũng đồng tình với ý kiến của ông Ngân, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường vì đây đang là nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Ông Lộc cho rằng, bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên họp tại hội trường ngày 24/5, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.
Việc giảm thuế VAT sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đó, năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.
Cũng bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp lúc này rất khó khăn, đặc biệt là vấn đề dòng tiền. Do đó, cần có sự đồng hành của ngân hàng để giúp các họ vượt qua khó khăn. Ông Cường cho rằng, vốn tín dụng từ ngân hàng vẫn là kênh huy động quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang khó tiếp cận bởi các điều kiện vay ngặt nghèo. Đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ, vấn đề hiện nay là một số doanh nghiệp có thể vay được ngân hàng thì không muốn vay, trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác cần vay vốn thì lại không thể vay. Theo ông Cường, doanh nghiệp hiện phân hóa làm 2 nhóm. Nhóm một là những doanh nghiệp gần như “ngắc ngoải”. Với nhóm này, ngân hàng cần phải tính toán thận trọng, bản thân doanh nghiệp cũng phải cân nhắc lại trong việc tái cấu trúc. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp rất cần vay vốn, nhưng hồ sơ vay vốn lại "có vết" do vừa trải qua loạt biến cố sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này vay được và có khả năng phục hồi được. Theo đại biểu Cường, trong trường hợp này, ngân hàng phải cho vay theo dòng tiền và phải kiểm soát dòng tiền của mình song hành với quá trình phát triển của doanh nghiệp và dự án. Ngân hàng không nên câu nệ vào lịch sử vay, doanh nghiệp còn tài sản thế chấp hay nợ xấu hay không... "Ngân hàng cho vay và nắm được dòng tiền thì sẽ không thể thất thoát vốn vay. Dòng tiền bơm đúng vào nơi cần và giúp được doanh nghiệp. Ngân hàng phải lăn lộn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông nói. |