Tag

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Văn hóa 18/04/2017 14:32
aa
TTTĐ.VN- Đại tướng Văn Tiến Dũng là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã để lại những dấu ấn hết sức to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy vẻ vang

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh là Lê Hoài), sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).Nhà nghèo, mẹ mất sớm, lúc còn nhỏ, Văn Tiến Dũng theo cha ra Hà Nội kiếm sống, đến năm 13 tuổi trở về quê đi học. Năm 15 tuổi, người cha đột ngột qua đời, Văn Tiến Dũng đành phải bỏ học, ở nhà giúp người anh làm nghề thợ may. Năm 17 tuổi, Văn Tiến Dũng ra Hà Nội làm thuê cho một số xưởng dệt, hằng ngày phải làm việc cực nhọc từ 10 đến 12 giờ, kể cả chủ nhật. Chính trong những ngày tháng gian lao này, Văn Tiến Dũng được giác ngộ và đi theo con đường cách mạng.

Năm 1936, Văn Tiến Dũng tham gia phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Tháng 12/1936, đồng chí tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông, Hà Nội, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân. Tháng 11/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm 1938 được cử làm Bí thư Chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội; năm 1939 tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Tháng 7/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, song vì không có chứng cứ, sau ba ngày, chúng buộc phải trả tự do. Ra hoạt động công khai giữa lòng địch, hai tháng sau (cuối tháng 9/1939), đồng chí bị bắt lần thứ hai và bị kết án hai năm tù. Tháng 11 năm đó, đồng chí cùng một số chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí tham gia Chi uỷ của Chi bộ Đảng nhà tù. Tháng 9/1941, trên đường bị địch áp giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội để đưa vào trại tập trung, đồng chí đã trốn thoát. Ngay sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân Pháp, đồng chí tìm được tổ chức của Đảng ở Hà Nội, nhưng sau đó lại bị mất liên lạc với Đảng.

Không trở về quê vì đang bị thực dân Pháp truy lùng, đồng chí đã tự hoạt động gây cơ sở cách mạng ở vùng Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và chờ dịp bắt liên lạc với Trung ương Đảng. Trong thời gian này, đồng chí vừa làm thuê, vừa khéo léo tuyên truyền và giác ngộ được nhiều thanh niên tham gia cách mạng. Do bị mật thám để ý, đồng chí đã tạm thời đi tu tại chùa Bột Xuyên (thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Đông) nhằm che mắt mật thám, tiếp tục bám cơ sở để tuyên truyền cách mạng.

Tháng 3/1943, đồng chí bắt liên lạc được với Đảng và được chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông. Tháng 6/1943, đồng chí được chỉ định tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ; cuối năm 1943 tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 1/1944 được điều về làm Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; tháng 3/1944 được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Sau khi kết thúc một khóa học về quân sự tại An toàn khu, tháng 8/1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba. Không chịu khuất phục trước cảnh giam cầm, đồng chí quyết tâm tổ chức vượt ngục. Đêm 26 rạng ngày 27/12/1944, đồng chí đã vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động. Chỉ ít ngày sau, tháng 1/1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Tháng 4/1945, đồng chí được Trung ương Đảng cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (còn gọi là Bộ Tư lệnh miền Bắc Đông Dương), hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng, được phân công tổ chức Chiến khu Quang Trung (gồm các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá) và kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh trên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 11/1945, đồng chí được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2 (gồm 8 tỉnh phía Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ), làm Chính ủy Chiến khu, tham gia Quân ủy Trung ương.

Tháng 11/1946, đồng chí được cử làm Chính trị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam (tiền thân của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam); tháng 2/1947 là Chính trị Cục trưởng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Tháng 1/1948, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 10/1949, đồng chí được điều làm Chính ủy Liên khu 3, sau đó kiêm Tư lệnh Liên khu (cuối 1950), tham gia Thường vụ Khu ủy Liên khu 3. Tháng 1/1951, đồng chí được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh cử ra thành lập và làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), hoạt động trong vùng địch kiểm soát ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong 34 tháng sống, chiến đấu ở vùng đất này, đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn 320 thực hiện 8 chiến dịch, làm thay đổi cục diện ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 11/1953, sau khi kết thúc chiến dịch phản công liên tiếp của quân và dân ta đánh bại cuộc hành quân Hải Âu của quân đội Pháp đánh ra Tây Nam Ninh Bình, đồng chí được điều về Việt Bắc nhận chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Đồng chí giữ chức Tổng Tham mưu trưởng cho đến tháng 5/1978.Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5/1954, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Tháng 8/1959, đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.

Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức huấn luyện, bảo đảm hậu cần và hoạt động của lực lượng vũ trang cả nước giành thắng lợi; đặc biệt, đã chỉ đạo lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng 12 ngày đêm (18 - 29/12/1972) ở Hà Nội, Hải Phòng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975) và là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng tháng 4/1974.

Tháng 5/1978, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương.Tháng 2/1980, đồng chí được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến năm 1986. Từ 1985 đến 1986, đồng chí là Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (2/1951), Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa III (3/1960), Ủy viên Bộ Chính trị (3/1972).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) và lần thứ V (3/1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công phụ trách chỉ đạo công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng từ khóa II (1960) đến khóa VII (1981 - 1986).

Với công lao và thành tích hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng (1995), Huân chương Hồ Chí Minh (1979), nhiều huân chương cao quý khác, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và một số huân chương cao quý do các nước bạn tặng. Ngày 17/3/2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Những cống hiến to lớn

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị và quân sự của Đảng, những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vũ tranh toàn dân, về chiến tranh cách mạng và xây dựng quân đội nhân dân. Đồng chí đã nhiều lần vinh dự được trực tiếp lĩnh hội những bài học quý giá từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, bài học lớn nhất là cách mạng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân; đồng chí đã được Bác dạy: “Chú đã hoạt động cách mạng thì chú đã biết, Đảng muốn tồn tại, phát triển phải có dân; quân đội muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân, không có dân thì có quân cũng không đánh được đâu. Phải làm sao cho bộ đội được dân phục, dân tin, dân yêu. Muốn thế phải động viên bộ đội hăng hái đánh giặc, tích cực giúp dân. Đó là công tác chính trị, là công tác vận động cách mạng, vận động quần chúng của Đảng trong quân đội”.

Cùng với đó là những bài học về công tác chính trị, công tác tham mưu mà đồng chí được lĩnh hội từ Bác: “Công tác chính trị là công tác đối với con người, là linh hồn của quân đội cách mạng. Công tác chính trị phải chủ động, chớ lẽo đẽo theo đuôi phong trào. Tình hình càng khó khăn càng phải chủ động”; “Làm quân sự, làm tham mưu, chú phải bằng mọi cách biết trước tình hình, đi trước tình hình, có chuẩn bị trước thì mới luôn luôn giữ được chủ động”...

Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài năng xuất sắc của quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, vừa ra đời, nước ta đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng, vận mệnh của Tổ quốc như ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta bước vào chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Ở Chiến khu 2 (gồm các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Văn Tiến Dũng - Chính ủy và đồng chí Hoàng Sâm - Tư lệnh, lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh mẽ về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, cùng các tầng lớp nhân dân chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, vừa tổ chức một số đơn vị “Nam tiến”, chi viện cho các mặt trận Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 214/SL-CP bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính trị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị; ngày 12/2/1947, Người ký Sắc lệnh số 16/SL cử đồng chí làm Chính trị Cục trưởng; đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Trên cương vị ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp tích cực vào việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội và là nhân tố bảo đảm cho quân đội liên tục phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.

Sau này, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, càng trải qua khó khăn, gian khổ với những thử thách gay go, ác liệt, tài năng quân sự của đồng chí Văn Tiến Dũng càng được bộc lộ rõ nét. Trong đó, phải kể đến hai thời kỳ: Thời kỳ đồng chí làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, chiến đấu trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ và thời kỳ đồng chí làm Tổng Tham mưu trưởng tham gia chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn mang tính chiến lược.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bằng Bắc Bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch, bởi ngoài giá trị về địa lý, bố trí chiến lược quân sự, địa bàn này còn là nơi tập trung sức người, sức của mà cả hai phía đều muốn làm chủ để bổ sung nguồn nhân lực, vật lực cho chiến tranh. Vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây luôn là địa bàn giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Sau thất bại ở biên giới Việt - Trung, đầu tháng 12/1950, Chính phủ Pháp cử tướng Đờ-lát-đờ Tát-xi-nhi sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Cao ủy. Ngay sau khi đến chiến trường Việt Nam xem xét tình hình, Đờ-lát đã triển khai kế hoạch hành động 15 tháng; trong đó, một trong những trọng điểm là thiết lập tuyến phòng thủ kiên cố, lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn chủ lực ta đánh vào và kiểm soát ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do.

Với sự tập trung dày đặc, càn quét liên tục, trong năm 1951, địch đã bình định được nhiều vùng rộng lớn. Do đó, nhiều căn cứ du kích của ta bị xóa, nhiều cơ sở cách mạng bị bật khỏi dân, việc huy động nhân lực, vật lực từ các tỉnh đồng bằng ra vùng tự do bị đình trệ. Trong tình thế vô cùng khó khăn đó, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn mưu trí và gan góc đưa cả Đại đoàn trên một vạn quân vượt sông Đáy, sông Hồng, lần đầu tiên tiến sâu vào trong lòng địch.

Đây là địa bàn có địa hình trống trải, địch xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, gây khó khăn cho ta trong việc đưa quân vào vùng này. Với tài thao lược của mình, ngay sau khi vượt sông Đáy (đêm 9/12/1951), Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã sử dụng hai Trung đoàn (48 và 52) vượt 20km đường ruộng chiêm, qua hai con sông và nhiều đồn bốt địch, tập kích địch ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) - căn cứ trung tâm của bọn đầu sỏ đội lốt tôn giáo. Ta làm chủ thị trấn Phát Diệm chỉ trong một ngày, đánh tan nhiều đội quân ứng chiến, tiêu diệt một số vị trí khác, diệt và bắt hơn 1.000 lính Âu - Phi và lính ngụy.

Cách sử dụng lực lượng thọc sâu táo bạo, đánh “nở hoa trong lòng địch” của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã giáng đòn choáng váng, làm cho quân địch kinh hoàng. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn 320 tiến sang Nam Định đánh địch và tiếp đó vượt sông Hồng sang chiến đấu ở Thái Bình.Với cách sử dụng lực lượng cơ động, linh hoạt, táo bạo, Đại đoàn đã buộc địch phải căng lực lượng đối phó ở nhiều nơi. Các trận tiêu diệt hoàn toàn đại đội biệt kích “Hổ xám” Văng-đăng-be ở thị xã Nam Định, đại đội biệt kích Rút-cô-ni ở thị xã Phủ Lý, tiêu diệt địch ở vị trí Đào Thành (Thái Bình), v.v. đã thể hiện cách đánh táo bạo, tài sử dụng lực lượng của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng.

Bằng các hoạt động tích cực chủ động với nhiều cách đánh sáng tạo, trong những năm 1951-1953, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.


Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975

Nếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của đồng chí Văn Tiến Dũng thể hiện ở tài cầm quân xông pha nơi trận mạc trong lòng địch hậu, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của đồng chí lại gắn với những chiến dịch lớn mang tính chiến lược.Tiêu biểu như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), với vai trò là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.

Sau nhiều đêm thức trắng trao đổi bàn bạc, Đại tướng đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh của Chiến dịch lịch sử này là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành” . Với cách đánh táo bạo đó, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong gần 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ tham mưu, chỉ huy đơn vị giỏi. Là người đứng đầu Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí đã chỉ đạo Cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và các tổng cục, tạo dựng sự đoàn kết nhất trí cao, góp phần tích cực trong công tác huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vềtăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Đây là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội ta; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí.

Tin liên quan

Đọc thêm

Đặc sắc không gian giới thiệu văn hoá, du lịch Lâm Đồng tại Hà Nội Nghệ thuật

Đặc sắc không gian giới thiệu văn hoá, du lịch Lâm Đồng tại Hà Nội

TTTĐ - Tối 16/5, lễ Khai mạc không gian trưng bày giới thiệu văn hoá, du lịch, di sản kiến trúc quy hoạch; sản phẩm OCOP, nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình "Ngày Văn hoá Lâm Đồng tại Hà Nội - năm 2025" đã diễn ra tại vườn hoa đền Bà Kiệu.
Soi chiếu chính mình trong ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh Văn hóa

Soi chiếu chính mình trong ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

TTTĐ - Báo Nhân Dân tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Rạng rỡ tên Người” bên hồ Gươm, đồng thời ra mắt số báo Nhân Dân Cuối tuần đặc biệt nhằm đưa hình ảnh và tư tưởng của Bác gần hơn với Nhân dân, để ai đi qua cũng có thể dừng chân chiêm ngưỡng, suy ngẫm và soi chiếu chính mình trong ánh sáng tư tưởng của Người.
Tràn ngập lòng biết ơn với "Chân dung Bác Hồ qua trang sách" Văn học

Tràn ngập lòng biết ơn với "Chân dung Bác Hồ qua trang sách"

TTTĐ - Thế hệ trẻ ngày nay rưng rưng xúc động và tràn ngập lòng biết ơn khi được tìm hiểu "Chân dung Bác Hồ qua trang sách".
Khắc họa tầm vóc, giá trị di sản của Bác Hồ trong lịch sử dân tộc và thời đại... Nghệ thuật

Khắc họa tầm vóc, giá trị di sản của Bác Hồ trong lịch sử dân tộc và thời đại...

TTTĐ - Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tinh hoa dân tộc, tầm vóc thời đại” khắc họa tầm vóc, giá trị di sản của Người trong lịch sử dân tộc và thời đại, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ đã dành trọn đời mình cho tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Nghệ thuật

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

TTTĐ - Cùng với các hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), thành phố còn tổ chức kỷ niệm 114 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2025).
Đề xuất đưa dân ca Hrê vào danh sách di sản quốc gia Nghệ thuật

Đề xuất đưa dân ca Hrê vào danh sách di sản quốc gia

TTTĐ - Để phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xem xét, đưa hai loại hình dân ca truyền thống đặc sắc của dân tộc Hrê là Hát Ta lêu và Hát Ca chôi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.
Nhà thiết kế Yến Ngô hạnh phúc khi đồng hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thời trang - Làm đẹp

Nhà thiết kế Yến Ngô hạnh phúc khi đồng hành Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

TTTĐ - Nhà thiết kế (NTK) Yến Ngô hạnh phúc khi được dành tặng hơn 600 chiếc áo và 600 khăn quàng đỏ phiên bản đặc biệt được thiết kế riêng cùng hơn 500 cờ tay Việt Nam cho các bạn nhỏ và Tổng Phụ trách ưu tú được lựa chọn về tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần X.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025 Nghệ thuật

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025

TTTĐ - Tối 15/5, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2025, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên Văn hóa

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng tác phẩm “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Kim Liên

TTTĐ - Chiều 15/5, trong chuyến công tác tại Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng tác phẩm điêu khắc ánh sáng “Việt Nam - những trang sử vàng” cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 Văn học

Đắk Nông: Khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025

TTTĐ - Sáng 15/5, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức khai mạc Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Xem thêm