Đảm bảo mục tiêu kép: Đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết và chống dịch
Tin tức trong ngày 16/1: Hà Nội dành 39.400 tỷ đồng dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Tập đoàn BRG chuẩn bị đa dạng hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phục vụ Tết tăng nhanh |
Nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng từ 100 - 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán hàng.
Trao đổi nhanh với báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện AEON Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, AEON đã có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán 2021 tăng 120% so với cùng kì năm 2020.
"Ngoài tăng lượng hàng dự trữ như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, cùng các mặt hàng như bánh mứt kẹo, bia rượu, nước ngọt, các sản phẩm trang trí Tết, đồ gia dụng... AEON Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hình thức mua sắm đa dạng như: Mua hàng trực tuyến qua trang thương mại điện tử AEON Eshop, mua hàng qua điện thoại, đi chợ hộ, mua hàng qua ứng dụng AEON Việt Nam hoặc ứng dụng Grabmart", đại diện AEON Việt Nam chia sẻ.
Theo Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart) đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu phòng, chống dịch và bảo đảm phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu 2021 với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với dịp Tết Canh Tý 2020.
Hệ thống siêu thị Co.opmart tăng trữ lượng, bảo đảm hàng hóa không thiếu hụt hoặc tăng giá dịp Tết |
Tại huyện Thanh Trì, theo báo cáo của đại diện UBND huyện, hiện nay tình hình lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, các mặt hàng phục vụ Tết được đảm bảo. Lượng lương thực, thực phẩm, rau xanh đảm bảo nhu cầu cung cấp cho người tiêu dùng. Sản lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 25-27 tấn/ngày; Sản lượng thủy sản đạt khoảng 50 tấn/ngày… Hàng hóa, giá cả tại chợ cơ bản giữ ổn định, riêng đối với mặt hàng thực phẩm thịt lợn, thịt bò, gia cầm giá cả có dao động tăng nhẹ.
Đại diện các doanh nghiệp phân phối cũng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online. Do vậy, để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite.
Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite... Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thì ngành Công thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đến nay, có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, 2 tổ chức tín dụng đã đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp hóa, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể...
Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động.
Kích hoạt các phương án ứng phóng với diễn biến của dịch Covid-19
Đại diện AEON Việt Nam cho biết đã xây dựng quy trình ứng phó với trường hợp có nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm Covid-19 theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Kể cả với kênh bán hàng trực tuyến, AEON Việt Nam cũng quy định rõ trong hợp đồng ký với đơn vị giao hàng chuyên nghiệp, bảo đảm thực hiện nghiêm việc phòng dịch.
“Nhân viên khu vực ẩm thực tự chọn Delica bắt buộc phải mặc đồng phục, mang khẩu trang che kín mũi, mang găng tay và đội mũ trùm kín hai tai, tóc trong suốt thời gian làm việc; Không sơn móng tay; không đeo trang sức; Rửa tay thường xuyên và đúng cách; Các nhân viên khu vực ẩm thực tự chọn luôn được theo dõi và kiểm tra định kỳ sức khỏe cá nhân theo đúng quy định của cơ quan chức năng; Luôn vệ sinh quầy kệ, khay đựng thức ăn, dụng cụ, thiết bị, sàn nhà, bồn rửa, tủ lạnh... thường xuyên và định kỳ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng…”, đại diện AEON chia sẻ thêm.
AEON Việt Nam đã xây dựng quy trình ứng phó với trường hợp có nhân viên, khách hàng, đối tác bị nhiễm Covid-19 theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế |
Tương tự, BRG Retail đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản ứng phó, sẵn sàng triển khai địa điểm bán hàng lưu động, mở thêm kho dự trữ, đồng thời phối hợp với đơn vị cung cấp hàng hóa điều động phương tiện vận chuyển khi cần.
Thực hiện yêu cầu của Sở Công thương Hà Nội, hiện toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố đã kích hoạt các phương án phòng, chống dịch.
Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19. Theo phương án của Sở Công thương Hà Nội, các doanh nghiệp phải chủ động phòng, chống dịch trên hệ thống bán hàng; Điều tiết hàng hóa trong hệ thống, sẵn sàng mở thêm điểm bán hàng lưu động để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Nhân dân.
Trường hợp nhiều điểm bán trên một địa bàn phải ngừng kinh doanh, nhu cầu mua hàng tăng 50 - 100% so với ngày thường, Sở sẽ điều phối giữa các đơn vị để hỗ trợ đưa hàng đến khu vực bị thiếu… Khi cần thiết, Sở sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội để điều chuyển hàng hóa đến khu vực thiếu hụt.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập 2.156 điểm (nhà văn hóa, trung tâm thể dục thể thao...) để mở thêm kho dự trữ và bán hàng lưu động khi cần.