Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng phục vụ Tết tăng nhanh
Các mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên đán được tiêu thụ mạnh trong những ngày gần đây
Bài liên quan
Hà Nội đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2019
Hàng hóa dồi dào, sức tiêu thụ mạnh
Sắm tết trúng vàng tại Vinmart & VinMart+
Doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ người dân mua sắm Tết
Chủ động sẵn nguồn hàng
Từ đầu tháng 12 Âm lịch đến nay, người tiêu dùng đã rục rịch mua sắm các mặt hàng thực phẩm khô, bánh kẹo… chuẩn bị Tết Nguyên đán. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tránh tình trạng bị khan hiếm hàng, từ trước Tết Dương lịch, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng Tết.
Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), được coi là chợ đầu mối lớn của Hà Nội, nơi đây cung cấp tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân từ các mặt hàng khô như: Miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô... đến các loại bánh mứt kẹo, đồ uống, nước giải khát. Đây đều là những thực phẩm cần thiết để phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, hiện các tiểu thương đã dữ trữ số lượng lớn những mặt hàng này ở trong kho. Theo nhiều tiểu thương, từ đầu tháng 10 Âm lịch, họ đã đặt các mối hàng này với số lượng lớn để tránh tình trạng giáp Tết những mặt hàng này bị đẩy giá lên cao và khan hiếm hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương bán hàng khô tại chợ Đồng Xuân cho biết: "Giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, vì thế chúng tôi cũng phải dự trữ một lượng hàng nhất định ở trong kho để bán cho khách hàng. Hiện tại thời điểm này, các mặt hàng bán chạy gồm các loại thực phẩm khô, bánh kẹo, các loại gia vị... Tuy nhiên, so với mọi năm, năm nay lượng bánh kẹo cửa hàng nhập về cũng ít hơn để tránh tình trạng hàng bị tồn kho sau Tết dẫn đến việc thu hồi vốn chậm”.
Các mặt hàng bánh kẹo cũng thu hút cả khách nước ngoài |
Việc các tiểu thương tích trữ hàng hóa phục vụ Tết không chỉ diễn ra ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống trong nội thành mà ngay tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ tại các huyện ngoại thành, các tiểu thương cũng chuẩn bị tích trữ hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán để người dân yên tâm mua sắm Tết.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cũng đã tích trữ đủ lượng hàng hóa bán vào dịp Tết. Ngoài các loại mặt hàng khô, bánh kẹo, các tiểu thương còn tích trữ cả các loại nước uống đóng chai được sử dụng nhiều trong dịp Tết.
Chị Trần Thị Huyền, chủ cửa hàng tạp hóa xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Ngay từ khoảng tháng 10 âm lịch, cửa hàng của tôi đã chuẩn bị dự trữ lượng lớn các loại thực phẩm khô có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để phục vụ người dân. Khoảng thời gian từ trước Tết Dương lịch trở lại đây, lượng tiêu thụ các mặt hàng Tết đã tăng cao, tuy nhiên do có sự chuẩn bị trước về nguồn hàng nên giá cả vẫn ổn định".
Khảo sát của phóng viên tại thời điểm hiện tại cho thấy, giá một số mặt hàng thực phẩm khô vẫn ở mức trung bình như khoảng thời gian trong năm, một số mặt hàng giá có tăng nhưng không nhiều, khiến người dân yên tâm mua sắm Tết. Cụ thể: nấm hương có giá từ 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến 40.000 - 80.000 đồng/kg; mộc nhĩ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg; măng khô “lưỡi lợn” loại 1 có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg; hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg…
Đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn
Để kích cầu trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các siêu thị cũng đang đẩy mạnh việc triển khai các chương trình khuyến mại thu hút người tiêu dùng. Sở Công thương và các doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.
Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động. “Hiện đã có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết.
"Việc doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vì vậy, Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải bày bán hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, Sở đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa", Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.