Đánh giá học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo
Bài liên quan
Thư viện trường học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới
Sách giáo khoa lớp 1 mới: Tạo điều kiện cho học sinh phát huy sự chủ động, sáng tạo
Các địa phương chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp
Ngày 22/11 sẽ công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới
Những "đột biến" trong chương trình giáo dục mới cho học sinh lớp 1
Giới thiệu 4 bản mẫu sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD - ĐT) Thái Văn Tài; PGS.TS Nguyễn Công Khanh – Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”; lãnh đạo các phòng Giáo dục Tiểu học, phòng GD - ĐT, hiệu trưởng và giáo viên tiểu học – đại diện cho các cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đến từ các tỉnh khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD - ĐT đang rất tích cực triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó tinh thần cốt lõi là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực người học.
Với việc đổi mới mục tiêu giáo dục - hướng tới làm cho người học hình thành phẩm chất và năng lực - theo Thứ trưởng, nội dung phải thay đổi; phương pháp phải thay đổi; cách đánh giá phải thay đổi; các điều kiện, yếu tố tạo nên chất lượng phải thay đổi.
Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ GD - ĐT đã cố gắng để xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay thế chương trình phổ thông hiện hành. Nếu chương trình hiện hành là theo cách tiếp cận nội dung, yêu cầu đầu ra là chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ, thì chương trình 2018 yêu cầu đầu ra là phẩm chất, năng lực.
Vậy đánh giá cũng thay đổi, từ đánh giá đầu ra theo chuẩn kiến thức kĩ năng, chuyển sang đánh giá theo chuẩn mới phẩm chất, năng lực. Bộ GD - ĐT có đề tài cấp quốc gia do PGS.TS Nguyễn Công Khanh chủ trì nghiên cứu, giúp chúng ta triển khai thực hiện điều này.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ban hành, sách giáo khoa cũng từng bước được hình thành - Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 - như vậy đã có nội dung. Về phương pháp, chúng ta đã được tập huấn để có những phương pháp đổi mới theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực.
Riêng về đánh giá học sinh tiểu học, đổi mới lần này theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực, Bộ GD - ĐT đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, sau đó có sửa đổi bằng Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Hai thông tư này đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực; cánh đánh giá đã tiệm cận với quốc tế với việc chúng ta vừa đánh giá thường xuyên kết hợp với đánh giá định kỳ.
Thực tế qua 5 năm triển khai Thông tư số 30, sau đó sửa đổi bởi Thông tư 22, công tác đánh giá học sinh tiểu học đã có nhiều kết quả tích cực, bước đầu đã tạo chuyển biến trong nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1 vào năm học 2020-2021, trước mắt, Bộ GD - ĐT xây dựng văn bản hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Hy vọng, các thầy cô, với kinh nghiệm từ thực tế triển khai sẽ có những ý kiến đóng góp giúp Bộ GD - ĐT ban hành văn bản mới phù hợp” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD - ĐT Thái Văn Tài báo cáo thực trạng triển khai Thông tư số 22 và đề xuất văn bản hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.