Đạo diễn trẻ Mai Thanh Tùng - “Thủ lĩnh của những ý tưởng”
Đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama là là đạo diễn sân khấu - cố vấn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ |
Từ hai bàn tay ngâm nước…
Mai Thanh Tùng hẹn tôi ở một quán cà phê gần nhà, vào buổi chiều muộn. Ấy là lúc người đàn ông “gà trống nuôi con” tranh thủ gửi cậu con trai nhỏ cho gia sư vừa trông vừa dạy học. “Anh thích nuôi con và chăm con”, vị đạo diễn trẻ cười tươi chia sẻ. Ẩn sâu phía sau tình yêu thương ấy là khát khao thầm lặng, bằng mọi giá để con không bao giờ phải chịu thiếu thốn, thiệt thòi như mình khi xưa.
Đạo diễn Mai Thanh Tùng |
Chính vì vậy, câu chuyện của chúng tôi ngược thời gian, trở về những năm 95, 96 của thế kỉ trước. Khi gia đình làm ăn thất bát, bố anh mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém khiến kinh tế trở nên kiệt quệ. Cả gia đình phải chuyển về ở trong căn nhà tường đất, lợp mái rạ được bà ngoại cho tại vùng ven biển Nam Định. Những năm ấy, mùa đông rất lạnh, cả gia đình phải nằm trên ổ rơm, đắp 2 cái chăn lên người mà vẫn còn co ro, buốt giá. Thế mà đều như vắt chanh, cứ 6h chiều hàng ngày, cậu bé lớp 9 đang ở tuổi ăn tuổi lớn lại lóc cóc theo mẹ ra biển ngâm mình dưới nước bắt cua, bắt cá để 6h sáng hôm sau đem bán trong buổi chợ sáng.
Cuộc sống thiếu thốn, cơ cực là vậy nên Tùng luôn xác định: Chỉ có học thì mới thoát khỏi cái đói, cái nghèo đang bủa vây. Vậy là với 20 ngàn đồng và 10kg gạo tám, chàng thanh niên sinh năm 1980 Mai Thanh Tùng khăn gói lên Hà Đông ở nhờ nhà người chị họ để ôn thi đại học.
Đời tréo ngoe ở chỗ, anh ôn thi khối C, cần sự yên tĩnh để học và ghi nhớ bài vở thì xung quanh, tiếng đàn của các sinh viên trường nghệ thuật trọ học gần đó khiến tâm hồn anh chốc chốc lại xao nhãng. Được một tuần, không thể nhập tâm với bài vở, anh xin phép người chị đến nhà bạn ở để tập trung ôn luyện.
“Mạnh mồm” là vậy nhưng một cậu thanh niên mới lớn ở Nam Định lên Hà Nội thì làm gì có ai quen? Biết đi đâu bây giờ? Gạo đã biếu chị, 20 ngàn đồng cũng đã hết, không một xu dính túi, anh lang thang ra đường Nguyễn Trãi, ngước nhìn lên thấy trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ngôi trường anh hằng mơ ước. Chợt nghĩ, giờ ăn ngủ còn không có chỗ, làm sao mà thi, làm sao mà đỗ? Tủi thân, nước mắt cứ chảy ra không sao cầm được.
Đạo Mai Thanh Tùng trong một buổi lễ ký kết dự án phim truyền hình |
Rồi mệt quá, anh gục đầu lên chiếc ba lô, là tài sản duy nhất còn lại. Chiều mùa hè trời nóng như nung, đường phố đông đúc xa lạ khiến anh hoang mang. Mãi mới nhớ ra có số điện thoại bàn của một người bạn, anh đánh liều vào hàng tạp hóa có dịch vụ điện thoại năn nỉ gọi nhờ “khi nào bạn cháu đến đón sẽ trả tiền”.
May mắn sao, người bán hàng tốt bụng không những “cô cho con gọi thoải mái” mà còn thương tình cho thêm bánh mì và mấy chai nước. Mai Thanh Tùng ăn xong, có sức, đi bộ về nhà bạn. Rồi nhờ đó, anh được thi đại học.
Thi xong rồi, chẳng biết đỗ hay trượt, anh lao đi phụ hồ. Cầm giấy nhập học trên tay, lại đi phụ hồ tiếp. Đời sinh viên của anh là những năm tháng tự học tự làm, hết chạy bàn, phụ việc, lại gánh gồng hàng hóa, bốc vác… chẳng việc gì anh chưa từng trải qua.
Chính những tháng ngày lăn lộn trong gian khó ấy đã làm nên một Mai Thanh Tùng bản lĩnh, cứng cáp, luôn sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn.
… đến “thủ lĩnh của những ý tưởng”
Giờ thì ai cũng biết Mai Thanh Tùng là đạo diễn của hàng trăm chương trình nghệ thuật lớn nhỏ được truyền hình trực tiếp trên các đài trung ương và địa phương. Cánh báo chí và người trong giới còn đặt cho anh biệt danh “Thủ lĩnh của những ý tưởng” bởi anh là “cha đẻ” của rất nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức hàng năm như “Tết quê hương”, “Ơn nghĩa sinh thành”…
Đặc biệt, phải kể đến MV “Đường đến ngày vinh quang” được thực hiện và phát sóng ngay trước giờ bóng lăn trong trận đấu lịch sử ở “Thường Châu tuyết trắng” của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. MV có sức lan tỏa, cổ vũ vô cùng mạnh mẽ. Đến giờ, cứ trước những trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam, MV lại được các đài truyền hình phát đi. Hay MV “Tự hào Việt Nam” quy tụ hơn 200 ca sĩ, nghệ sĩ, chiến sĩ,…cổ vũ động viên đội ngũ y, bác sĩ chống dịch Covid-19 khiến bao con tim người Việt Nam thổn thức…
Đạo diễn Mai Thanh Tùng điều hành công việc trong một cuộc họp |
Điều đặc biệt hơn nữa, những chương trình, dự án nghệ thuật này đa phần đều hình thành và hoàn thiện trong thời gian rất ngắn với chi phí “0 đồng”, hướng đến cộng đồng, có ý nghĩa nhân văn, thay lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân vào những dịp quan trọng của đất nước. Điều đó không phải người hoạt động nghệ thuật nào cũng làm được.
Mới đây nhất, chương trình “Thương lắm miền Trung” đã góp phần huy động rất nhiều nguồn lực trong xã hội ủng hộ đồng bào chịu thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ. Đêm nghệ thuật diễn ra ngày 1/11 nhưng dư âm còn kéo dài bởi đợt vận động quyên góp vẫn tiếp diễn cho đến hết tháng, hứa hẹn sẽ thu về nguồn kinh phí nhiều tỉ đồng để hỗ trợ miền Trung tái thiết.
Mai Thanh Tùng chia sẻ rằng anh vẫn còn rất xúc động vì mình đã làm được thêm một việc tốt cho xã hội, cho cộng đồng, thực hiện trách nhiệm của công dân, sứ mệnh của người làm nghệ thuật. Chương trình do anh tự lên ý tưởng, đích thân làm tổng đạo diễn và chăm chút cho từng chi tiết nhỏ đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ anh em nghệ sĩ. Thông qua đây, khán giả càng hiểu thêm những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu, từ đó đóng góp thêm nhằm giúp đỡ đồng bào mình vượt qua hoạn nạn.
Dù vậy, nhìn vào người đàn ông hào hoa, đầy tâm huyết và trách nhiệm cùng sự nỗ lực, cẩn thận tạo nên thành công ấy, ít ai biết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông Oscar cũng từng phải nhiều lần “nếm mùi” bởi những bài học đắt giá. Thừa hưởng “máu” nghệ sĩ từ người cha là cán bộ cách mạng từng hoạt động văn nghệ ở chiến trường, sau những năm đi làm báo, làm truyền thông cho các tập đoàn lớn, một ngày nọ, Mai Thanh Tùng “quay ngoắt” sang làm nghệ thuật.
Để có uy tín trong giới nghệ sĩ, sẵn sàng huy động cả trăm người thực hiện những dự án không thù lao, không catse là điều không hề dễ dàng. Tài năng là một phần, lớn hơn cả là cái tâm của người làm nghệ thuật và lối sống chân thành nên đạo diễn Mai Thanh Tùng đã được rất nhiều người hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề hỗ trợ, giúp đỡ và kết nối.
Đạo diễn Mai Thanh Tùng (TGĐ Osar Media) Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn (Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội), Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng (TBT báo Tuổi trẻ Thủ đô ) Đại diện BTC chương trình "Thương lắm miền Trung" tiếp nhận ủng hộ đồng bào miền Trung |
Dẫu luôn cẩn thận, tỉ mỉ và yêu cầu khắt khe với ekip khi thực hiện các chương trình, nhưng đôi lúc vị đạo diễn trẻ vẫn gặp phải những tình huống không thể lường trước. Đó là sự cố sập một phần sân khấu trước giờ truyền hình trực tiếp chương trình “Âm vang Vũ Quang 2009” ở Hà Tĩnh do mưa bão đột ngột kéo đến. Chứng kiến khán giả háo hức đến dự không còn chỗ trống, bản thân anh xắn quần trên đầu gối lội nước quán xuyến chương trình đến nỗi bị điện giật suýt chết. Cũng có lần không may mắn khi làm chương trình bị đối tác chậm thanh toán tiền đến nỗi sinh nợ nần tưởng chừng khánh kiệt.
Vượt qua bao gian truân, vất vả trong cuộc sống và hành trình làm nghề, dù thừa nhận “nghệ sĩ tính” vẫn còn đầy trong mình, nhưng sau thất bại vươn lên, lại thêm sự trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau đã tạo nên một Mai Thanh Tùng ngày càng bản lĩnh. Hơn hết, anh vẫn tâm niệm rằng, cùng với sự cẩn thận sát sao, cùng với cái tâm làm nghệ thuật hướng đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng thì chắc chắn “trời sẽ chẳng phụ lòng người”.
MC Trịnh Lê Anh: “Tôi với đạo diễn Mai Thanh Tùng đã trở thành những người anh em sau hơn 10 năm gắn bó. Bên cạnh Mai Thanh Tùng còn rất nhiều những nghệ sĩ rất giỏi, tâm huyết. Trong làng những công ty tổ chức sự kiện như hiện nay thì Oscar Media là một đơn vị tiên phong làm nghề có tâm. Tất cả nghệ sĩ chúng tôi đã hợp tác một lần thì đều muốn làm tiếp với Oscar Media. Những kỉ niệm trong các chương trình thì rất nhiều. Tôi là MC chuyên thể loại chính luận, xã hội nên tôi rất ưng những chương trình làm cùng Oscar Media khi làm các chương trình lễ hội của địa phương, những dịp gắn bó với văn hóa truyền thống như Tết âm lịch, lễ Vu lan… những sự kiện đòi hỏi người làm sự kiện phải có ý thức nhân văn mới làm được. Đạo diễn Mai Thanh Tùng là người có tính cầu thị rất lớn, ham học hỏi. Anh Tùng luôn muốn chương trình phải hoàn thiện nên không ngừng trau dồi kiến thức. Ví như làm biên tập âm nhạc rất khó nhưng anh Tùng đã mày mò, tìm hiểu, hỏi rất nhiều người để làm được. Anh Tùng cũng là người hài hòa giữa các nghệ sĩ, làm thế nào để cân đối được trong chương trình. Tùng còn là người hào phóng, chịu chơi, thậm chí cắn rang bỏ thêm tiền túi ra để làm cho những sự kiện được tốt nhất. Mai Thanh Tùng là người làm sự kiện rất chuyên nghiệp và có tâm”. |