Đầu tư trúng, đúng để phát huy cao độ hiệu quả các công trình
Sáng 8/4, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến về các nội dung: Bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội; Các giải pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
|
Đề xuất xã hội hóa trong tu bổ, nâng cấp các công trình văn hóa
Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Ngọc Anh, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên đánh giá cao chủ trương đầu tư của thành phố cho cả giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo ở 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Đây cũng là những vấn đề được cử tri và Nhân dân rất quan tâm thời gian qua.
Từ phương diện địa phương, đại biểu Lê Ngọc Anh bày tỏ vui mừng khi trong hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII mới đây đã có chủ trương phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư, phân bổ ngân sách cho các quận, huyện. Bởi thời gian qua, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có nhiều trường học xuống cấp nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong thực hiện quy trình tu sửa. Hiện đất đai của huyện còn rất rộng và chỉ thiếu kinh phí triển khai.
Về lĩnh vực y tế, đại biểu Lê Ngọc Anh cho biết, huyện đã xây mới 14 trạm y tế rất rộng rãi, tuy nhiên còn nhiều trăn trở về trang thiết bị và nguồn nhân, vì vậy, huyện rất mong được thành phố quan tâm giúp đỡ để có thể đồng bộ trong triển khai.
Về tu bổ công trình di tích lịch sử, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 345 di tích thì 120 được công nhận di tích Quốc gia nhưng nhiều công trình xuống cấp, nhiều lần đề xuất nhưng chưa được khắc phục, trở thành bức xúc trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
“Việc đầu tư là tốt nhưng quản lý sau đầu tư mới là vấn đề quan trọng. Tôi đề xuất xã hội hóa trong đầu tư các công trình này mới có thể phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng”, đại biểu Lê Ngọc Anh nêu, đồng thời kiến nghị có đề án cụ thể với tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển thêm về văn hóa phi vật thể.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phiên thảo luận tại tổ |
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) nhận định, nhu cầu đầu tư giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung khắc phục việc chậm triển khai thủ tục. Quy hoạch phải đáp ứng chiến lược lâu dài, không chỉ sửa chữa nâng cấp mà phải chú ý tới tiêu chí phòng học, khu vui chơi cho học sinh...
Đại biểu Hải cũng cho rằng, việc tập trung y tế cơ sở là đúng tuy nhiên cần tập trung đầu tư đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị, liên thông giữa tuyến cơ sở và tuyến trên cũng như trong việc cung cấp thuốc điều trị... đáp ứng cơ bản yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Về đầu tư tôn tạo di tích lịch sử phải đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch, bởi đây là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Vì vậy, TP cần xác định tầm quan trọng của các di tích để đầu tư đúng tầm, phát triển thành điểm du lịch, từ đó quản lý và đào tạo cán bộ, nhân viên về tư duy quảng bá du lịch.
“Chọn đúng, chon trúng, tập trung đẩy nhanh các thủ tục hành chính để triển khai, tháo gỡ vướng mắc. Cần xác định quan điểm đầu tư trúng, dứt điểm để phát huy cao độ hiệu quả các công trình, đảm bảo đầu tư bao nhiêu hiệu quả bấy nhiêu”, đại biểu Hải nhấn mạnh.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh đề xuất thành lập các tổ tư vấn am hiểu các lĩnh vực văn hóa để xác định các công trình nào cần đầu tư trước; Trong phát triển giáo dục cần quan tâm đầu tư phát triển thể chất cho các em học sinh trong quá trình đầu tư xây dựng trường học để đảm bảo hiệu quả.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn thảo luận tại tổ |
Cần có cơ chế thu hồi dự án kịp thời
Thảo luận tại tổ về giải pháp xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, đại biểu Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn nêu quan điểm, nên cân nhắc chuyện giao dự án nhanh, đúng quy trình thủ tục nhưng nếu chậm triển khai sau 24 tháng thì dứt khoát phải thu hồi.
“Mặc dù luật đã quy định, nhưng thực tiễn để làm thì không hề đơn giản. Đặc biệt có nhiều dự án giải phóng mặt bằng dở dang nên rất khó để thu hồi. Cơ chế để thu lại dự án đó cho nhà đầu tư mới cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Nếu chúng ta không có cơ chế thu hồi dự án từ nhà đầu tư cũ, giao lại dự án cho nhà đầu tư mới rõ ràng, nhanh, kịp thời thì dự án đó lại thành dự án treo”, đại biểu Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho rằng, số lượng các dự án chậm triển khai, chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất là vấn đề nhức nhối. “Các cơ quan ban, ngành cần phân định rõ từng hạng mục công trình dự án, nguyên nhân chậm triển khai. Đối với các dự án chủ đầu tư đang có nhưng vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc yếu tố pháp lý thì đề nghị lãnh đạo TP, Sở, ngành giải bài toán này để chủ đầu tư triển khai dự án”, đại biểu Nguyễn Văn Luyến nói.
Mặt khác, TP phải quản lý sát sao hơn công tác đấu thầu, đấu giá các dự án, tránh tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực thực sự để triển khai. Đối với các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hợp pháp muốn triển khai dự án phù hợp với quy hoạch được giao, đại biểu Luyến đề nghị TP chấp thuận chủ trương, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động triển khai theo đúng quy định.
Các đại biểu thảo luận tại tổ |
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Thanh Xuân) cho rằng còn rất nhiều vướng mắc. Các dự án chưa được giao đất và cho thuê đất chỉ có 11/135 dự án là đúng tiến độ. Các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chỉ có 96/404 dự án thực hiện.
“Mấu chốt vấn đề là việc xây dựng kế hoạch lập dự án còn sơ sài, chưa tính kỹ hoặc vội vàng nên dẫn việc có nhiều dự án sử dụng đất chậm triển khai”, đại biểu Phạm Đình Đoàn phân tích và cho rằng, nên có chế tài rõ, đặc biệt là đội ngũ nhân lực ở các ban quản lý dự án cần có hướng xử lý tận gốc vấn đề.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND TP, việc xác định đầu tư cho 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa là đúng nhưng còn băn khoăn về nguồn lực, tổ chức thực hiện và cần tạo quyết tâm chính trị để thực hiện hiệu quả.
Với các huyện khó khăn, HĐND TP cần có hỗ trợ để song song với phát triển đầu tư cho 3 lĩnh vực trên các địa phương cũng hoàn thành tốt các mục tiêu khác đã đề ra.
Về giải pháp xử lý các dự án chậm triển khai, theo đại biểu phải tạo thành quyết tâm chính trị, tập trung tháo gỡ để thành phố phát triển; Song cũng cần khẳng định quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, kêu gọi động viên các nhà đầu tư mới và quyết liệt với các doanh nghiệp trây ì.
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, chưa bao giờ chúng ta có dự án lớn như hiện nay, vì thế, cần phải làm hết sức khẩn trương, đi cùng với đó là cải cách TTHC, đảm bảo nhanh, rõ cách thức thực hiện; Đồng thời đảm bảo chất lượng từ khâu chuẩn bị, giao nhiệm vụ, thi công, giám sát đầu tư... Thực hiện giao ban, kiểm đếm, đôn đốc công việc. Với giải pháp xử lý các dự án chậm triển khai, Chủ tịch HĐND TP cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng chuyển biến chưa nhiều, việc đưa nội dung này ra bàn thảo lại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội và kỳ họp thứ 4 của HĐND TP nhằm có cách thức làm mới, siết chặt kỷ cương và đem lại hiệu quả. |