Đầu tư, nâng cấp phải thực hiện đồng bộ với quy hoạch và định hướng phát triển
Ngày 7/4, tại hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến về các nội dung: Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025; Biện pháp giải quyết, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị |
Kết quả, đã có 69 lượt đại biểu phát biểu ý kiến trực tiếp với 77 ý kiến. Các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP với những nội dung rất quan trọng nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển Thủ đô, phục hồi và phát triển sau đại dịch, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đối với Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội, các đại biểu thảo luận và thống nhất đề nghị chỉ đạo, rà soát đảm bảo nguồn cân đối của ngân sách của cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, tránh để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách TP hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã đảm bảo thủ tục và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của các huyện.
Một số ý kiến cho rằng, khối lượng dự án nhiều, nhiều dự án di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thủ tục đầu tư phức tạp, cần có phân loại và kế hoạch để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, hoàn thành tiến độ đầu tư. Việc tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các công trình di tích là cần thiết. Tuy nhiên, phương án tu bổ phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng đối với từng công trình, không thực hiện đại trà; Đảm bảo nguyên tắc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình cũng như các hạng mục của công trình đó.
Theo các đại biểu, việc đầu tư mới, nâng cấp công trình trường học và y tế phải thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch và định hướng phát triển của các lĩnh vực này trong tình hình mới; Gắn với định hướng yêu cầu chuyển đổi số, vấn đề tự chủ, xã hội hóa, giải quyết biên chế một cách đồng bộ để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khai thác sử dụng tối đa địa điểm, các hạng mục, công năng của công trình. Một số ý kiến đề nghị kiến nghị với các Bộ ngành Trung ương về quy chuẩn, tiêu chuẩn trường quốc gia với quận nội thành: diện tích đất, chiều cao, tỷ lệ học sinh/diện tích đất…
Về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn TP, các ý kiến của 4 tổ đều thống nhất cao việc Ban Chấp hành có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo tập trung giải quyết với các dự án chậm triển khai. Đây là chủ trương trúng và đúng, rất cần thiết, kịp thời và thể hiện quyết tâm chính trị cao trong thời điểm này.
Các Tổ ghi nhận những cố gắng, giải pháp của HĐND, UBND TP trong giám sát, tổ chức thực hiện: rà soát, phân loại, thanh tra, xử lý vi phạm, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Ý kiến các Tổ bày tỏ sự nhất trí với việc chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan của các cấp, các ngành TP và chủ đầu tư. Đồng thời, các ý kiến nhất trí với quan điểm, mục tiêu, các biện pháp giải quyết tập trung, căn bản, đồng bộ, kiên quyết, dứt điểm, thống nhất cao trong giải quyết, tạo môi trường đầu tư, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nhanh, mạnh mẽ sau đại dịch.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ kết quả thực hiện đến nay đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn TP, có so sánh, đối chiếu với tổng các Dự án đang chậm triển khai. Một số ý kiến đề nghị cần có các giải pháp hiệu quả để giải quyết các nguyên nhân chủ quan của TP: việc phân công, phân cấp theo thẩm quyền; Việc phối hợp giữa các sở ngành TP, UBND các quận huyện; Việc tham mưu của các sở ngành để giải quyết các thủ tục; Việc phối hợp quản lý, theo dõi, giám sát, đôn đốc, việc phối hợp giải phóng mặt bằng của các địa phương; Đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Một số ý kiến đề nghị UBND TP có đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể hơn với từng nhóm dự án còn tồn đọng; Có kế hoạch chi tiết phân công giải quyết đến từng dự án và thời gian hoàn thành từng khâu để rõ việc, rõ trách nhiệm và giải quyết dứt điểm; Công khai tên dự án chậm và tiến độ hàng năm thực hiện…