Đẩy mạnh chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần các tầng lớp Nhân dân
Phối hợp chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động |
Khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới
Có được thành quả như ngày hôm nay là do các chủ trương và chính sách về y tế, giáo dục, lao động việc làm, văn hóa, thể thao, du lịch, … được lãnh đạo các cấp trong tỉnh Bình Dương chú trọng, thường xuyên điều chỉnh theo hướng nâng cao cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Tiếp đó, tỉnh cũng triển khai và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp về nhà ở, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xây dựng các thiết chế văn hóa, huy động tốt các nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội; tiếp tục giảm nghèo bền vững...
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do áp lực dân số cơ học hàng năm tăng cao, với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng và môi trường giáo dục chất lượng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Trường Đại học quốc tế Miền Đông tại Bình Dương |
Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Bình Dương trích ngân sách đầu tư, xây dựng thêm 92 công trình trường học (gồm 77 công trình vốn ngân sách và 15 công trình xã hội hóa); ngoài ra, có 80 cơ sở giáo dục ngoài công lập do doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt, nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đột phá về nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học và công nghệ được tỉnh đầu tư phát triển và ứng dụng cụ thể, rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Chất lượng các dịch vụ kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp và người dân địa phương.
Tại Bình Dương, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phát triển mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cấp, các ngành được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin được đầu tư, phát triển tốt, từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước phát triển hơn, kết nối liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến rộng rãi trên toàn tỉnh.
Đặc biệt, một điều rất đáng vui mừng và tự hào là tỉnh Bình Dương được công nhận là thành viên Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF); đồng thời được bình chọn là 01 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới trong năm 2019 và năm 2020.
Các cơ sở khám chữa bệnh của Bình Dương được đầu tư nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám bệnh của Nhân dân |
Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, khám chữa bệnh của các cơ sở y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, điều trị bệnh của người dân. Các chiến dịch truyền thông về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm được triển khai đồng bộ; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đạt kế hoạch đề ra (riêng chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân đạt 21,3 chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Trong nhiệm kỳ, ngành Y tế tỉnh đã đưa vào khai thác 4 bệnh viện tư nhân và đưa vào sử dụng trên 1.700 giường bệnh mới. Công tác xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, thu hút được nhiều thành phần tham gia, trong đó, phát triển các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, đến nay, toàn tỉnh có 878 cơ sở y tế ngoài công lập.
Kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình DươngNguyễn Hoàng Thao, trong năm cuối nhiệm kỳ, xuất hiện dịch bệnh Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, lan rộng toàn thế giới nhưng với tinh thần chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ. Sự tích cực, chủ động các phương án ứng phó ngay từ đầu của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực cao của ngành Y tế tỉnh đã giúp Bình Dương cùng cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia tích cực của chính quyền và các tổ chức đoàn thể; chế độ, chính sách đối với người có công được đảm bảo và từng bước nâng lên theo điều kiện cụ thể của tỉnh; đối tượng thụ hưởng được mở rộng. Đến nay, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng và được theo dõi sức khỏe định kỳ.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện theo hướng thực chất, bền vững; Toàn tỉnh đã giảm 4.566 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, không có hộ tái nghèo. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều mới, sát hợp với thực trạng địa phương; chú trọng nhân rộng mô hình dạy nghề cho người nghèo.
Đời sống tinh thần của người dân Bình Dương tiếp tục được nâng lên |
Hơn nữa, tại Bình Dương, xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội được đẩy mạnh, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp các đối tượng yếu thế tự khắc phục khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng. Trong năm cuối của nhiệm kỳ, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người bán vé số và lực lượng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trung bình hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 46.500 lao động (Nghị quyết: 45.000 lao động).
Kết quả, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong đời sống xã hội, đóng góp thiết thực vào quá trình đô thị hóa và phát triển bền vững của tỉnh.
Theo đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc vận động Nhân dân xây dựng Nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị và các phong trào yêu nước khác. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2011- 2020 tiếp tục được thực hiện gắn với việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Cùng với đó, phong trào thể dục, thể thao của tỉnh Bình Dương cũng phát triển có sức lan tỏa, nhiều công viên, hoa viên được bố trí dụng cụ tập luyện thể dục thể thao phục vụ cộng đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao được triển khai đạt kết quả theo đề án của tỉnh; thứ hạng thể thao của tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao thứ hạng cấp quốc gia và quốc tế.