Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Các bệnh viện tăng cường cho công tác điều trị
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm 2022 đến ngày 12/6, Hà Nội có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).
Các chuyên gia nhận định, dù dịch bệnh tại Thủ đô đang được kiểm soát nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều như hiện nay, đồng thời với chu kỳ 4-5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết (kể từ đợt dịch sốt xuất huyết gần đây nhất năm 2017), nguy cơ các ca mắc sốt xuất huyết có khả năng gia tăng trong thời gian tới.
Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện |
Hiện, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường cho công tác điều trị, tránh lặp lại chu kỳ dịch 5 năm.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị cho gần 10 ca sốt xuất huyết, một số ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm.
Đang điều trị tại khoa Virus - ký sinh trùng, một nam thanh niên mắc sốt xuất huyết cho hay vì không biết mình bị bệnh, nghĩ chỉ đau nhức mỏi người, sốt cao như cảm cúm thông thường nên anh tự điều trị tại nhà.
Đến khi những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau vùng bụng trở nặng rõ rệt, sốt 4 ngày không hạ, chảy máu chân răng, anh mới đi viện, tiểu cầu đã giảm mạnh.
Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) đã tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú. Do được điều trị kịp thời nên chưa có trường hợp nào nặng và xuất hiện các biến chứng.
Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết rất nhanh, do đó, bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho biết, vào thời điểm hiện nay, các bệnh nhân khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, kèm theo nôn nhiều cần đến bệnh viện sớm, tránh biến chứng, có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết có 4 chủng, nếu đã mắc một lần vẫn có thể mắc tiếp một số lần sau. Hiện bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng nhất là bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có những chỉ định, can thiệp kịp thời.
Cần chủ động phòng bệnh
Bộ Y tế nhận định, nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.
Các chuyên gia cũng nhận định, với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều, đồng thời với chu kỳ 4-5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết (kể từ đợt dịch sốt xuất huyết năm 2017), thì nguy cơ các ca mắc sốt xuất huyết có khả năng gia tăng nhanh trong thời gian tới.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết |
Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa 3 yếu tố. Thứ nhất, đối với tác nhân gây bệnh ở đây là virus sốt xuất huyết; thứ hai là véc tơ tức là muỗi vằn và thứ ba là khối cảm thụ, tức là con người.
"Đối với vec tơ truyền bệnh là muỗi vằn, chúng ta phải kiểm soát các vật dụng chứa nước và chứa đồ linh tinh khiến cho loăng quăng và bọ gậy phát triển"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
TS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Người dân không được tự ý dùng kháng sinh và cạo gió khi mắc sốt xuất huyết vì bệnh này do virus gây ra nên việc dùng kháng sinh sẽ không hiệu quả.
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường có nguy cơ cô đặc máu, có thể dẫn tới tử vong, điều quan trọng nhất trong trường hợp này là bệnh nhân phải được bù đủ dịch. Cạo gió sẽ không hiệu quả đối với bệnh nhân sốt xuất huyết".