WHO khuyến cáo biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết vào mùa: Dấu hiệu và cách phòng ngừa Biến đổi khí hậu khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng Cảnh báo số ca sốt xuất huyết tăng 97% so với cùng kỳ |
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào đầu năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 30 lần trong vòng 50 năm qua. Trong đó, Châu Mỹ và Châu Á đang là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng sốt xuất huyết năm nay.
Đảo quốc sư tử đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, vượt xa con số 5.258 ca trong năm 2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6 mới là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết hằng năm.
Tính đến hết tháng 3/2022, Indonesia ghi nhận trên 22 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết; Malaysia là trên 13 nghìn trường hợp, tính đến ngày 7/5. Còn tại Campuchia, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, nước này đã ghi nhận 1.125 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 625 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021; Trong đó có 2 trường hợp tử vong. Năm 2021, Campuchia chỉ có 500 trường hợp mắc và không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào.
Một công nhân phun thuốc diệt muỗi để chống lại bệnh sốt xuất huyết ở Singapore (Ảnh: CNN) |
Theo báo cáo tình hình sốt xuất huyết 5 tháng đầu năm của Tổ chức Y tế toàn Châu Mỹ của WHO (PAHO) ghi nhận 1.238.528 ca, trong đó có 426 người tử vong; cao nhất là Brazil (1.114.758 ca), Peru (45.816 ca), Colombia (21.576 ca), Nicaragua (12.171 ca) và Ecuador (8.449 ca).
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng ngày càng gia tăng, WHO đã có những khuyến cáo giúp người dân hiểu rõ hơn về cách thức lây lan, điều trị cũng như biện pháp phòng tránh bệnh truyền nhiễm này.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn.
Virus Dengue không thể tự lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, một người bị nhiễm và đang mắc sốt xuất huyết Dengue có thể lây truyền cho các loại muỗi khác. Sau khoảng 1 tuần, muỗi mang mầm bệnh đó có thể lây truyền virus Dengue khi đốt người khác.
Hiện nay, sốt xuất huyết xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, cả thành thị và nông thôn. Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ thời gian nào chừng nào muỗi vẫn hoạt động.
Brazil ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tại Châu Mỹ từ đầu năm đến nay (Ảnh: AP) |
Độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh.
Sốt xuất huyết Dengue gây ra các triệu chứng giống như cúm và kéo dài từ 2-7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 10 ngày sau khi một người bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao (40°C) và đi kèm ít nhất hai trong số các triệu chứng: Đau đầu; đau hốc mắt; buồn nôn, nôn; nổi hạch; đau xương, khớp hoặc cơ; phát ban, nổi mẩn ngứa.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất để tránh dẫn tới: Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không; chảy máu nặng; tổn thương tạng nặng.
Khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue thấp dưới 1%.
Theo WHO, hiện chưa có vắc-xin hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết Dengue. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
Bên cạnh đó, WHO cũng đưa ra các khuyến cáo tốt nhất để bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt như: Mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi; Lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; Phun thuốc diệt muỗi, đốt hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc, tinh dầu…
Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 12/6, cả nước ghi nhận hơn 52.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; Trong đó có 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 74,9% và số tử vong tăng 24 trường hợp. |