Đẩy mạnh triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trong ngành Y tế
Chỉ thị nêu rõ, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (1.035 trận thiên tai), bão số 2, số 3 và gió mùa Tây Nam mạnh giữa tháng 7 đã gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên; Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau.
Ảnh minh họa |
Nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên. Thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19,453 tỷ đồng.
Trong năm 2023, dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền; Nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022.
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai, thảm họa (nếu có) và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhan dân, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai, Bộ Y tế chỉ thị thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện tốt những nội dung: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Quyết dịnh số 3544/QĐ-BYT ngày 21/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành Y tế giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
Các địa phương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy và lực lượng thường trực tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; Đảm bảo dự trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế) cho các vùng miền trọng điểm thiên tai và sẵn sàng khi có tình huống; Tiếp tục kiện toàn đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT), xây dựng bộ tài liệu tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và trang bị cho đội EMT.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch năm, rà soát, bổ sung phương pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị theo các cấp độ rủi ro thiên tai.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai thảm hoạ lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
Các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần và báo cáo thường xuyên, đột xuất theo quy định; Duy trì các hình thức thông tin liên lạc không để xảy ra mất liên lạc trong thiên tai, đăc biệt trong mùa mưa bão; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tăng cường kết hợp quân dân y trong ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phát huy vai trò của đội xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể trước, trong và sau thiên tai.
Đồng thời, các địa phương tổ chức tập huấn, huấn luyện trong chỉ huy điều hành, phối hợp lực lượng trong các tình huống thiên tai, thảm họa; Huấn luyện cho người dân biết tự chăm sóc và chăm sóc sức khỏe lẫn nhau trong thiên tai và tổ chức các chiến dịch truyền thông để người dân không chủ quan với thiên tai, thảm họa.
Các đơn vị tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có thai, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính; Các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng cần sớm đưa vào hoạt động để chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng thiên tai.
Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm hằng năm, hoặc đột xuất sau các đợt lũ, lụt, thiên tai, thảm họa và báo cáo về Bộ Y tế; Ngoài ra, kiểm tra toàn diện việc bảo đảm y tế phòng chống thiên tai của các đơn vị trực thuộc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…