Từng bước chuyên nghiệp hóa công tác phòng, chống thiên tai
Hiệu quả từ công tác dự báo, cảnh báo sớm
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự báo cũng cho thấy, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng và có xu hướng cực đoan hơn ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Hậu quả của nó đối với Việt Nam rất nghiêm trọng và là mối nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên các vùng miền cả nước, từ mưa lũ cực đoan ở miền Bắc cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt nặng nề, cho đến mưa lũ miền Trung hoặc là triều cường và sạt lở bờ biển ở miền Tây Cà Mau. Ảnh hưởng của thiên tai trong năm 2022 đã làm hơn 139 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 5.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa bão |
Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, trong năm 2022, các cấp bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án… của các địa phương.
Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, cũng được triển khai quyết liệt, nhanh chóng góp phần thông tin kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết: Nhằm chuyên nghiệp hóa công tác phòng chống thiên tai, thời gian qua, Tổng cục đã đẩy mạnh cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo, trong đó, cụ thể hóa bản tin dự báo khí tượng thủy văn nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết, bổ sung các thông tin dự báo tác động của bão và áp thấp nhiệt đới đến các ngành, lĩnh vực. Duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin khí tượng thủy văn tới người dùng thông qua App điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube...
Thiên tai gây nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng tại các địa phương |
Song song với đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng phối hợp với các bộ, ngành tăng cường rà soát phương án, xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn, đặc biệt lớn để chủ động triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; Đảm bảo an toàn thiên tai và phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Tổng cục cũng xác định phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, thời gian qua, Tổng cục luôn ưu tiên cho nghiên cứu, sản xuất, trang bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát phục vụ chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các loại thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng. Đồng thời, Tổng cục tập trung cho ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác công - tư”, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực, kỹ năng phòng chống thiên tai
Nhìn chung công tác ứng phó với thiên tai đã có những chuyển biến rất lớn, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa. Ví dụ, cơn bão số 4 trong năm 2022 khi còn cách xa Biển Đông, cơ quan cảnh báo cũng như cơ quan điều hành đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai công tác ứng phó và khi có tình huống thiên tai thì cả hệ thống chính trị vào cuộc từ Trung ương đến cơ sở, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, rồi các địa phương, Bí thư, Chủ tịch, cơ quan, đoàn thể hết sức quyết liệt. Mặc dù bão ở trên biển rất mạnh nhưng công tác kêu gọi tàu thuyền trú tránh từ sớm đã giúp không gây ra thiệt hại trên biển. Hoặc là khi bão đổ bộ vào đất liền, mạnh nhưng không gây thiệt hại về người.
Nhìn chung công tác ứng phó với thiên tai đã có những chuyển biến rất lớn, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa |
Trong công tác phòng chống thiên tai, chúng ta đã ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống giám sát thiên tai VNDMS tích hợp cơ sở dữ liệu để phục vụ chỉ đạo ứng phó. Đồng thời cũng ứng dụng công nghệ trong điều hành hồ chứa khẩn cấp đảm bảo an toàn công trình, hạ du và hiệu quả nguồn nước. Điều này đã mang lại nhiều hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai. Ngoài ra, một số tỉnh, địa phương đã triển khai tích cực, hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn từ Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Với vai trò là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong năm vừa qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tham mưu kiện toàn sớm hệ thống chỉ đạo điều hành về phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương; Đồng thời, tham mưu xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động, ban hành chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho các thành viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên và Ban chỉ đạo, nâng cao hiệu lực phối hợp liên ngành phòng chống thiên tai.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại tỉnh Quảng Ngãi |
Trước các đợt thiên tai lớn, Tổng cục cũng đã phân tích tình hình, tham mưu xây dựng các kịch bản ứng phó; Phối hợp cùng các địa phương thực hiện nhiệm vụ trong các buổi kiểm tra thực tế tại vùng tâm bão, rốn lũ của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay sau các đợt thiên tai, Tổng cục đã tổ chức ngay các đoàn công tác phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất; Kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ và ban chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh để sớm phục hồi sản xuất.
Trong năm 2023, phát huy những kết quả đạt được, Tổng cục sẽ tăng cường rà soát các phương án, xây dựng kịch bản cụ thể nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn, đặc biệt lớn để chủ động triển khai thực hiện, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, phấn đấu vừa đảm bảo an toàn thiên tai vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm bốn tại chỗ”.