Dạy và học trực tuyến ở huyện “vùng sâu, vùng xa” của Thủ đô Hà Nội: Nhiều sáng tạo để vượt khó khăn
Học sinh Hà Nội học trực tuyến: Nhà trường, phụ huynh đồng lòng khắc phục khó khăn Hà Nội yêu cầu các trường tinh giản nội dung khi dạy học trực tuyến |
Là địa phương khó khăn nhưng hầu hết 300 học sinh lớp 1 của trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì) đều được học trực tuyến trong thời gian này. Các buổi học, học sinh đều được phụ huynh hỗ trợ.
Một số gia đình khó khăn, nhà trường đến tận nơi vận động, hỗ trợ cài đặt phần mềm. Nếu hôm nào, phụ huynh bận không vào được lớp online của con theo lịch thì được bố trí vào lớp ở khung giờ khác.
Học sinh trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì) học online |
Còn tại trường Tiểu học Tòng Bạt (huyện Ba Vì), nhà trường đã chỉ đạo tổ chức dạy học trực tuyến, triển khai đồng loạt, tất cả các bộ môn từ khối lớp 1 đến khối lớp 5 trong toàn trường ngay trong ngày đầu tiên bắt đầu nghỉ dịch từ ngày 1/2/2021.
Căn cứ theo chương trình tinh giản của Bộ và của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường chỉ đạo các tổ khối lên kế hoạch dạy học tổng thể, thời khóa biểu, biên soạn nội dung các bài giảng ở tất cả các môn học như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, các môn năng khiếu khác với hình thức đa dạng phù hợp với từng môn học.
Các thầy cô hào hứng như quay video clip hướng dẫn gửi cho học sinh, tích hợp phần mềm tương tác trực tuyến Zoom Cloud Meeting. Tất cả thời gian học của các lớp dựa trên thống nhất của đa số cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm đảm bảo không một học sinh nào bị bỏ quên trong khi nghỉ phòng dịch covid-19.
Thầy Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tòng Bạt chia sẻ: "Việc dạy học online của nhà trường còn gặp một số khó khăn như học sinh không có máy tính hoặc điện thoại, một số phụ huynh không thành thạo việc cài đặt, đường truyền Internet không ổn định. Do đó, giáo viên trong trường sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình học trực tuyến, nhiều thầy cô đã cho học sinh mượn điện thoại để học.
Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng với lòng yêu trẻ yêu nghề và tinh thần quyết tâm cao độ, tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học Tòng Bạt quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học online, giúp các em học sinh vừa đảm bảo an toàn qua mùa dịch, vừa tiếp thu được kiến thức mới của năm học".
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Năm học này, toàn huyện có 5.655 học sinh lớp 1. Học sinh lớp 1 còn nhỏ, chưa thao tác được máy tính, điện thoại nên phải có sự hỗ trợ của cha mẹ. Một số trường ở địa bàn xa đường truyền mạng còn kém, một số gia đình học sinh khó khăn chưa có phương tiện để cho con học.
Trước tình hình đó, phòng đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục phát động phong trào quyên góp tặng máy tính, điện thoại thông minh cho học sinh nghèo; Đã có 79 học sinh khó khăn về phương tiện học trực tuyến được hỗ trợ. Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả, Phòng GD&ĐT Ba Vì yêu cầu giáo viên quay lại phần bài giảng và gửi qua nhóm Zalo để phụ huynh nắm bắt và hướng dẫn con em. Đến nay, số học sinh lớp 1 tham gia học trực tuyến là 5.574 học sinh, đạt tỷ lệ 98,56%.
“Đối với các trường học có học sinh khó khăn về thiết bị học trực tuyến, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường có hình thức in phiếu, giao bài tập về nhà cho học sinh. Qua khảo sát, Phòng GD&ĐT huyện cũng ghi nhận và biểu dương nhiều nhà trường có sáng kiến để khắc phục khó khăn trong dạy học trực tuyến; Tổ chức cho các em học trực tuyến theo nhóm 2 - 3 học sinh. Ví dụ như ở trường Tiểu học Phú Sơn, THCS Đông Quan, THCS Cố Đô. Nhờ vậy, phụ huynh, học sinh và giáo viên đã có sự phối hợp tốt, học sinh học trực tuyến đạt tỷ lệ cao”, bà Tuyến thông tin.
Tại trường Tiểu học Kim An (huyện Thanh Oai), cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hiện nay, việc học trực tuyến đã dần đi vào nền nếp. Nếu đợt học trực tuyến năm trước, chỉ có 70% học sinh lớp 1 tham gia học trực tuyến thì năm nay đã đạt gần 100%.
Nhà trường đã khắc phục bằng cách huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên cho học sinh hộ khó khăn, hộ nghèo mượn điện thoại để học. Những trường hợp nào khó khăn và bí quá, chúng tôi bố trí cho học nhờ nhà bạn gần nhà. Năm nay, có 2 trường hợp học sinh khó khăn được mượn điện thoại, đích thân hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà cài đặt và hướng dẫn phụ huynh sử dụng Zoom”.
Ghi nhận cho thấy, bài giảng online được các giáo viên chuẩn bị chu đáo, điều chỉnh cách giảng cho phù hợp để học sinh nắm bắt và hiểu bài. Nhiều phụ huynh khi dự giờ đã thấy con mình được học thêm nhiều thứ bên ngoài chứ không chỉ trong sách giáo khoa lớp 1. Từ đó, nhiều phụ huynh đánh giá cao nhà trường và trách nhiệm, uy tín của giáo viên cũng được nâng lên.
Cô giáo Trần Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) cho biết: Việc học trực tuyến của nhà trường dần đi vào ổn định và không gặp nhiều khó khăn. Có được những thành công này do sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên. Các thầy cô luôn giữ mối liên hệ với phụ huynh học sinh, trao đổi, ôn tập các kiến thức cũ cho học sinh qua các nhóm Zalo của lớp, in bài gửi cho học sinh, chữa bài và tương tác với học sinh, phụ huynh học sinh...
Để dạy trực tuyến cho học sinh, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên, giúp đỡ phụ huynh cài đặt và sử dụng phần mềm. Đối với những học sinh không có máy tính, điện thoại, các thầy cô đã cho học sinh mượn để học trực tuyến. Ban đầu phụ huynh học sinh còn bỡ ngỡ khi làm quen với phần mềm học trực tuyến nhưng với sự kiên trì hướng dẫn của các thầy cô, đến nay việc dạy và học trực tuyến của nhà trường đã đi vào nề nếp, có hiệu quả.