Học sinh Hà Nội học trực tuyến: Nhà trường, phụ huynh đồng lòng khắc phục khó khăn
Hơn 20 trường đại học chuyển sang học trực tuyến Hà Nội yêu cầu các trường tinh giản nội dung khi dạy học trực tuyến |
Đồng bộ từ thành thị đến nông thôn
Thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc cho học sinh tạm dừng đến trường đến hết ngày 28/2 để phòng chống dịch Covid-19, chuyển sang dạy học qua internet, ngày 16/2, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục từ xa chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương học trực tuyến |
Để duy trì và ổn định nề nếp, chất lượng dạy và học ngay từ tiết học đầu tiên khi học sinh trở lại học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhấn mạnh việc có biện pháp giúp đỡ kịp thời các em còn khó khăn về điều kiện học tập qua intenet, hạn chế về khả năng học tập và tự học...
Quán triệt chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay trong ngày 16/2, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã đã có thông báo triển khai dạy và học qua internet gửi tới từng trường. Cùng với chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học qua internet bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phòng GD&ĐT các quận, huyện yêu cầu các trường phải có giải pháp hỗ trợ học sinh không có điều kiện học qua internet bằng những hình thức khác, bảo đảm tất cả các em được học trong thời gian tạm dừng đến trường.
Là huyện xa xôi nhất của Thủ đô Hà Nội, tại Ba Vì, việc học trực tuyến của học sinh cũng được triển khai khá tốt trong ngày đầu năm mới. Thông tin về điều kiện học tập qua internet của học sinh trong huyện, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì Phùng Ngọc Oanh chia sẻ: “Về cơ bản, các em học sinh đã có điện thoại thông minh. Một số em thiếu điện thoại hoặc không có máy tính thì tạm thời đến nhà bạn cùng lớp học nhờ. Sau ngày đầu tiên triển khai, chúng tôi sẽ khảo sát để biết có bao nhiêu em còn thiếu sẽ vận động các nguồn để hỗ trợ”.
Tại trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội), việc dạy và học trực tuyến cũng đã được triển khai khá bài bản, đồng bộ ở tất cả các khối lớp. Cô Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: “So với đợt học trực tuyến của năm 2020, việc dạy và học qua internet năm 2021 đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Lý do là bởi các thầy, cô giáo cũng đã có kinh nghiệm dày dặn hơn trong quản lý, vận hành lớp học.
Học sinh đã làm quen với nề nếp của hình thức học tập mới. Ghi nhận ở tất cả các khối lớp, chúng tôi thấy không khí hào hứng, háo hức của học sinh và giáo viên. Ban đầu nhà trường cũng lo lắng vừa nghỉ Tết xong các em chưa bắt nhịp lại được ngay với guồng học. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với điều đó, học sinh bắt nhịp với việc học khá nhanh”.
Còn đó những khó khăn
Tại trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội), ngay từ khi nhận được thông báo về việc nghỉ phòng dịch trước Tết Nguyên đán 2021 (từ ngày 31/1 đến 8/2/2021), Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn sẵn sàng cho phương án dạy online sau Tết, dự phòng trường hợp dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến chưa ổn định. Theo đó, các tổ nhóm chủ động thống nhất chương trình, rà soát việc thực hiện Kế hoạch dạy học để phân công soạn giáo án trực tuyến cho nội dung ôn tập và triển khai các kiến thức mới.
Ngày 16/2 - ngày nghỉ Tết Tân Sửu cuối cùng cũng là thời điểm thời khóa biểu học tập online đã được phát hành. Ngày 17/2/2021, các lớp đồng loạt thực hiện việc dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu cả ca sáng và chiều cho tất cả các môn học.
Thay vào việc học bằng phần mềm Zoom trước đây, tất cả các lớp đã học bằng Teams - một phần mềm học trực tuyến được đánh giá cao về tính năng và hiệu suất công việc. Một số những trục trặc của thầy trò đầu giờ học đã nhanh chóng được giải quyết nhờ các thầy cô giáo của bộ phận Tin học đã tư vấn, giúp đỡ rất kịp thời và nhiệt tình.
Một số trường hợp đặc biệt, do chưa đủ điều kiện để học trực tuyến, các con học sinh đã được đến trường và học trong phòng máy của nhà trường. Con số này không nhiều nên tuy học sinh đến trường nhưng vẫn đảm bảo những điều kiện và quy định về việc giãn cách xã hội.
Sự bắt nhịp nhanh chóng của cả thầy và trò, cùng với sự đồng thuận của phụ huynh học sinh nhà trường đã giúp kiến thức, bài vở của trẻ không bị gián đoạn, trong khi các yêu cầu phòng dịch vẫn được đảm bảo một cách tốt nhất.
Đánh giá về đợt triển khai học trực tuyến năm nay so với năm học trước đó – năm 2020, cô Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết: "Nhà trường đã chủ động, sáng tạo, nhanh chóng thích ứng, chuyển mình từ dạy trực tiếp sang trực tuyến. Quan trọng nhất, là nhận thức của người học và người dạy đã bắt kịp việc chống dịch trong tình hình mới. Từ đó, việc triển khai của Ban giám hiệu đến giáo viên thuận lợi, dễ dàng, học sinh và phụ huynh phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng đủ yêu cầu để dạy học trực tuyến hiệu quả. Bộ máy được kích hoạt lại, sẽ thuận lợi hơn việc chạy lần đầu.
Thêm nữa, vai trò của truyền thông của xã hội, của nhà trường mạnh hơn. Trường THCS Nguyễn Tri Phương làm rất tốt việc truyền thông khi chủ động, sáng tạo, nên tạo được sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh học sinh".
Đánh giá những hiệu quả của đợt triển khai lần này, cô Giang cũng không quên nói về những khó khăn khi triển khai học trực tuyến xuất phát từ thực tiễn.
“Khó khăn là có thật. Từ tâm lý, việc học này là giải pháp tình thế, nhiều học sinh sẽ có tâm lý ỷ lại, hoặc chờ đợi sau này đi học lại sẽ được hệ thống hóa kiến thức. Vốn dĩ sự chủ động tự giác học của trò chưa cao, khả năng tự học chưa nhiều ở nhiều bạn, do đó khó khăn. Tuy nhiên, lần này, tâm lý ỷ lại ít hơn, phần lớn, học sinh chủ động, tự giác, và có sự vào cuộc nhiều hơn của gia đình. Bên cạnh đó, hạ tầng đường mạng và thiết bị máy móc không phải lúc nào và nơi nào cũng thuận lợi như nhau.
Việc học trực tuyến nhiều, dày đặc cũng ảnh hưởng đến mắt của học sinh. Vì vậy, nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ để linh hoạt thời khóa biểu, thời lượng môn học, cách thức học các môn, ... để học sinh dễ tiếp nhận mà vẫm đảm bảo chương trình học tập và cả sức khỏe cho học sinh”, cô Giang chia sẻ thêm.