Đề nghị thu phí 30 năm với 2 dự án đường vành đai
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng nay (10/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.
Hàng nghìn ha đất trở thành "đất vàng, đất bạc"
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc triển khai các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, gián tiếp to lớn, do có thêm hàng nghìn ha đất trở thành "đất vàng, đất bạc"; Có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…
"Việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này hết sức cần thiết, cấp bách, hữu hiệu. Mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai", đại biểu nói.
Song, đại biểu lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) |
Trong tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, ông Trí đề nghị xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho Nhân dân.
Ông Trí khẳng định, một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 thì vẫn còn 75 nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này.
Cần chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc đầu tư 2 dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia; Kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.
Theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu đề nghị cân nhắc vì điều này khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư. Về phạm vi đầu tư, thống nhất như Tờ trình là có đường song hành và có quỹ đất dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.
Đại biểu Phạm Văn Hòa |
Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường Vành đai 3, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách Nhà nước là hợp lý, cũng là chủ trương xã hội hóa đường giao thông.
Cho rằng đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho TP.HCM và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến tác động môi trường về đất sản xuất nông nghiệp, cát, sỏi sông ngòi để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Nếu khai thác tối đa ít nhiều sẽ bị tác động rất lớn về môi trường, sẽ cạn kiệt về sau, vì đây là nguồn nguyên liệu hữu hạn.
Cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có.
Đồng thời, cần có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân. Trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Tạ Thị Yên |
Cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cần cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót không cần thiết.
"Qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn.
Ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những cái nhóm lưu động", đại biểu Trung nói.
Đại biểu cũng cho rằng cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư. Từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết. Đồng thời, nên quan tâm đến lợi ích thích đáng của các nhà đầu tư.