Đề phòng sốc nhiệt, mất nước khi đi ngoài trời nắng
Theo các chuyên gia y tế, sốc nhiệt là hậu quả của quá trình tăng thân nhiệt sau một thời gian cơ thể phải hứng chịu nắng nóng kéo dài, cơ thể không kịp thích nghi gây mất nước, làm tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, cơ thể giảm khả năng thanh thải nhiệt, gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm hơn là ngoài vấn đề cơ thể bị sốc nhiệt, tình trạng mất nước cũng xảy ra nếu như người dân đi ngoài trời nắng nhiều giờ. Thực tế, nhiều người vẫn hiểu sai tình trạng cơ thể mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Tuy nhiên, khi người dân đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở.
Những người làm việc lâu ngoài nắng phải được bù nước thường xuyên để tránh bị sốc nhiệt và mất nước
Tình trạng mất nước đáng ngại nhất là ở trẻ nhỏ và người già. Ở trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà trẻ em là đối tượng rất hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều người lớn. Nếu không được bù nước đúng cách trẻ rất dễ bị tăng thân nhiệt, sốt vì mất nước. Mất nước ở trẻ em dễ gây sốt do cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều nhiệt kém, nên gặp thời tiết nắng gay gắt, mất nước nhiều trẻ dễ bị sốt hơn người lớn.
Để chủ động chống nắng nóng mùa hè, ngoài việc ở môi trường thoáng, đội mũ che chắn kĩ khi ra ngoài thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Mọi người nên nhớ nguyên tắc, mùa hè nắng nóng người dân luôn phải mang theo nước bên mình. Đối với trẻ nhỏ, người lớn phải luôn nhắc trẻ uống nước, không để trẻ nô đùa nhiều giờ đồng hồ và đặc biệt là không để đến khi cảm thấy khát mới uống.
Đặc biệt, đối với nhóm trẻ bị các bệnh lý viêm đường hô hấp, ho, viêm phổi vì nhiễm lạnh do trẻ chơi đùa ra nhiều mồ hôi mà người lớn không để ý thay đồ cho trẻ. Mồ hôi ra liên tiếp, ướt áo, ngấm lại vào cơ thể. Có nhiều trẻ đang chơi nóng quá mồ hôi mồ kê nhễ nhại ra đứng ngay trước quạt... làm cơ thể bị nhiễm lạnh gây ho, sốt. Trẻ cũng có thể cảm lạnh do cha mẹ cho trẻ ngủ ở phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp, sử dụng quạt thốc thẳng vào mặt. Nhiều cha mẹ lại sai lầm cho trẻ tắm mát ngay khi vừa chạy nhảy, vận động, khi tắm cho trẻ ngâm mình dưới nước thời gian lâu rất dễ bị cảm lạnh.
Khi cảm thấy cơ thể nóng bừng, hoa mắt, váng đầu, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của kiệt sức do sốc nhiệt. Nếu đang ở ngoài trời, mọi người nên tìm ngay một nơi râm mát để ngồi nghỉ hoặc vào những tòa nhà có điều hòa, nới lỏng quần áo. Theo các chuyên gia y tế, biện pháp xử lý khi bị sốc nhiệt là vẩy nước lên người nạn nhân hoặc lấy khăn thấm nước phủ lên người. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.