Để quản lý người nghiện ma túy hiệu quả hơn
Chia sẻ kinh nghiệm để đổi mới trong công tác cai nghiện ma túy Phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cai nghiện ma túy “Ngôi nhà hạnh phúc” cho những người cai nghiện ma tuý |
Hiểm họa mang tên “ngáo đá”
Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ án giết người liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy khiến dư luận xã hội bàng hoàng, người dân lo lắng về tình trạng kẻ ngáo đá sống trong khu dân cư gây ra mối tai họa bất cứ lúc nào.
Mới đây nhất là vụ án giết người mà nạn nhân là nghệ sĩ nổi tiếng, một giọng opera hiếm hoi của Việt Nam bị chính anh vợ của mình, một người nghi "ngáo đá" sát hại vào tối 18/2. Trước đó, chiều 19/1, một người đàn ông 73 tuổi, trú xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên bị đối tượng nghi "ngáo đá", sát hại và phân xác. Cuối năm 2019, đối tượng Hoàng Văn Chín (SN 1976, trú xã Sơn Phú, Định Hóa, Thái Nguyên) đã giết 5 người bao gồm vợ, anh rể và 3 người hàng xóm. Tất cả những đối tượng gây án này đều nghiện ma túy. Đây chỉ là 3 vụ án trong số hàng chục vụ án do người nghiện ma túy bị ảo giác gây ra. Những vụ việc như vậy ngày càng có mật độ dày đặc và đáng báo động.
Các học viên đang cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội được học nghề, lao động trị liệu |
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ án mạng do người nghiện gây ra? Phải chăng công tác quản lý người nghiện tại cộng đồng đang bị buông lỏng hay sự thờ ơ của gia đình trước những biểu hiện không bình thường của người nghiện khiến họ dễ dàng gây tội ác?
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố đang quản lý gần 13.000 người nghiện ma túy có hồ sơ, trong đó có gần 9.000 người sống ở cộng đồng (chiếm gần 70% tổng số người nghiện). Thực tế cho thấy, việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực sự hiệu quả.
Đại úy Nguyễn Đình Quý, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận định, từ giữa năm 2019 đến nay, trong số 653 người được đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc thì chỉ có 177 người có nơi cư trú ổn định (chiếm 27%). Tỷ lệ trên rất thấp so với con số 8.819 người nghiện ma túy đang ở cộng đồng. Đây cũng là vấn đề khiến tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn còn đất hoạt động.
Đó là chưa kể công tác cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Đỗ Vân Long cho biết, mặc dù việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn nhưng thực tế khó đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm về chuyên môn để thực hiện.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Điều đáng nói, trong khi công tác cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn như vậy thì thủ tục pháp lý để đưa người nghiện đi cai nghiện theo hình thức bắt buộc lại rất rườm rà. Nếu như trước đây, những người nghiện sử dụng ma túy khi bị bắt, cơ quan công an kết hợp ngành y tế kiểm tra “test nhanh”, nếu kết quả dương tính với ma túy sẽ lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND huyện, thị, thành ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Từ khi Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ ban hành, thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải qua 5 đơn vị thẩm định gồm: Công an, Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nên mất rất nhiều thời gian trong việc đưa được một người vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc.
Các thống kê cho thấy, lượng ma túy đổ vào Việt Nam ngày càng lớn và số người nghiện, người sử dụng gia tăng nhưng quản lý chưa hiệu quả (Ảnh minh họa) |
Đó là chưa kể người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP cũng không hề đơn giản. Bởi theo quy định, muốn người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thì trước đó, người nghiện phải bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong một thời gian nhất định mà không có hiệu quả thì mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tiễn cũng chỉ ra, cai nghiện ma túy tại cộng đồng ngày càng gặp nhiều thách thức khi xuất hiện nhiều loại hình ma túy mới.
Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, nếu như trước đây, đại đa số người sử dụng các chất dạng thuốc phiện (Opiats) thì hiện nay, phần lớn chuyển sang dùng ma túy tổng hợp (ATS). Đáng báo động hơn, số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng cao. Người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, phát sinh nhiều vụ việc gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ tái nghiện mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy tại cộng đồng đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có những quy định ngay từ cơ chế chính sách. Trong khi nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, chưa có phác đồ điều trị cai nghiện hiệu quả thì việc quản lý, đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc cần được các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế.