Đến năm 2030, các bệnh viện đều có khoa chăm sóc người cao tuổi
Theo đó, đối tượng là người cao tuổi, ưu tiên người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, gia đình có người cao tuổi…
Mục tiêu nhằm tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần phòng chống ngược đãi người cao tuổi; Nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 có 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có Khoa Lão khoa chăm sóc người cao tuổi (Ảnh minh họa) |
Mục tiêu cụ thể phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025 có trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; Khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi được khám, chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc cửa gia đình và cộng đồng.
Đồng thời có ít nhất 20% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi, bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh; Bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 50% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố có khoa lão khoa.
Hàng năm, khoảng 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng.
Phấn đấu đến giai đoạn 2026-2030, có trên 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; Khoảng 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi được khám, chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc cửa gia đình và cộng đồng.
Ảnh minh họa |
Có ít nhất 30% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Điều dưỡng- Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh; Bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố có khoa lão khoa.
Hàng năm, khoảng 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND thành phố cũng đưa ra 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bao gồm triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở trạm y tế tuyến xã; Ưu tiên nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh; Phát triển khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm bệnh tật, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người cao tuổi.
Phát triển mạng lưới nhân viên chăm sóc, thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng; Tổ chức tập huấn, huấn luyện và hướng dẫn để người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, thành viên gia đình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…
Về việc này, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi; Nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi.