Người cao tuổi cần lưu ý trước và trong khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Những điều cần biết về vắc xin phòng COVID-19 cho người cao tuổi Thanh niên Đống Đa hỗ trợ tiêm vắc xin tại nhà cho người cao tuổi Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 |
Video: Những điều người cao tuổi cần nắm rõ trước và trong khi đi tiêm vắc xin COVID-19 (Nguồn: Bộ Y tế)
Người cao tuổi có thể đăng ký tiêm chủng vắc xin theo 3 cách sau:
Cách 1: Đăng ký trực tiếp với cán bộ địa phương tại nơi cư trú.
Cách 2: Truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn: https://tiemchungcovid19.gov.vn để đăng ký trực tiếp trên website.
Cách 3: Đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Khi tải về sẽ có phần đăng ký, đăng nhập với số điện thoại. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm sẽ thấy hướng dẫn đăng ký tiêm vắc xin.
Khi đã đăng ký thành công, người cao tuổi cần nắm rõ và làm theo những điều này trước khi đi tiêm vắc xin.
Thứ nhất, khai báo y tế. Nếu có điện thoại thông minh, người cao tuổi tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và ứng dụng PC-COVID trên điện thoại thông minh iOS hoặc Android và khai báo các thông tin cần thiết. Trong trường hợp không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi vẫn có thể khai báo y tế tại địa điểm tiêm chủng và lưu giữ thông tin tiêm chủng với giấy xác nhận tiêm chủng tại địa điểm tiêm do cơ sở y tế cung cấp.
Thứ hai, chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để có thể trạng tốt nhất vào ngày tiêm. Lưu ý, cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích trong vòng 2 - 3 ngày trước khi tiêm.
Vào ngày tiêm chủng, người cao tuổi cần nắm rõ và tuân thủ những điều sau
Mang theo CCCD/CMND hoặc thông báo mã định danh cá nhân có mã QR do Công an cấp, giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 trước đó (nếu có). Đồng thời, mang sổ khám bệnh, đơn thuốc... sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có); Nên có người thân đi cùng để hỗ trợ người cao tuổi trong các trường hợp cần thiết.
Khi đến địa điểm tiêm chủng, cần đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K và nghe theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Tại điểm tiêm, người cao tuổi cần chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế các thông tin như: Loại vắc xin được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các dấu hiệu phản ứng có thể xuất hiện sau khi tiêm chủng và cách xử lý; Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Người cao tuổi cũng nên thông báo cho cán bộ y tế các thông tin về tiền sử bệnh của cá nhân như:
Thứ nhất, tình trạng sức khỏe hiện tại: Khám sức khoẻ hiện tại xem có sốt hay đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý COVID-19 không?
Thứ hai, tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cần khai thác chính xác loại vắc xin COVID-19 đã tiêm và thời gian đã tiêm vắc xin.
Thứ ba, tiền sử dị ứng như: Đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ; Tiền sử dị ứng với vắc xin và bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
Thứ tư, tiền sử mắc COVID-19.
Thứ năm, tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang điều trị hóa trị, xạ trị.
Thứ sáu, tiền sử rối loạn đông máu, cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông
Ngay sau khi tiêm, người cao tuổi cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Lưu ý, không tự ý bỏ về trước thời gian quy định.