Dỡ phòng máy tính của trường cho học sinh mượn học trực tuyến
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh khó khăn
Tại trường THCS Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, công việc chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Theo đó, 100% giáo viên được tâp huấn về công nghệ thông tin (CNTT), kỹ năng sử dụng phần mềm để giảng dạy trực tuyến.
Được biết, Hợp Thanh là xã giáp miền núi, khó khăn nhất của huyện Mỹ Đức. Vấn đề lớn nhất của trường THCS Hợp Thanh là tạo điều kiện để học sinh học trực tuyến. Để chuẩn bị đầy đủ thiết bị cho các em học online, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thống kê, rà soát phụ huynh, học sinh, điều tra số lượng những em còn thiếu trang thiết bị học tập.
Học sinh trường THCS Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức trong một giờ học trực tuyến |
Trước khó khăn của nhiều học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định tháo dỡ phòng máy (40 bộ) để cho học sinh khó khăn mượn, nhằm giúp các em có điều kiện học tập. Nhà trường cũng đã cử cán bộ mang máy tính đến tận nhà học sinh để lắp đặt và hướng dẫn sử dụng, bảo quản trong thời gian học trực tuyến.
Thầy Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thanh cho biết: “Chúng tôi đã rà soát, sửa sang kịp thời cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học trực tiếp.
Trong thời gian giãn cách vừa qua, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch học tập online ngay. Nhà trường đã sử dụng, nền tảng Google meet để dạy học sinh. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, các thầy cô nắm được kỹ năng công nghệ thông tin cũng như kỹ năng sử dụng phần mềm. Đến nay, 100% giáo viên nhà trường đã sử dụng tốt Google meet để dạy học online.
Năm nay, chúng tôi xây dựng mô hình mỗi lớp là một phòng học online, học sinh chỉ đăng nhập 1 lần cho cả buổi học, các thầy cô giáo bộ môn sẽ đăng nhập vào lớp để dạy. Với hình thức này, chỉ có giáo viên vất vả một chút vì phải đăng nhập thường xuyên.
Đến nay chúng tôi đã rà soát và khẳng định 100% học sinh của nhà trường đã có đủ thiết bị học tập để tham gia khoá học online với tinh thần tốt nhất. Về lớp 6, năm nay sẽ học chương trình sách giáo khoa mới, hiện tại, chúng tôi đã cung ứng đủ sách giáo khoa cho các em. Vẫn còn khoảng 10 học sinh đang đi thăm người nhà ở vùng dịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai… Những trường hợp này, chúng tôi đã mời phụ huynh đến tư vấn, cung cấp sách mềm điện tử cho học sinh tham gia học trước. Sau đó, gia đình sẽ gửi sách theo đường bưu điện đến tận tay các con.
Với kinh nghiệm nhiều lần dạy online trong thời gian vừa qua, giáo viên trường đã làm quen, chúng tôi tự tin chất lượng giảng dạy online của nhà trường sẽ được duy trì tốt”.
Giờ học online tại trường THCS Hợp Thanh, Mỹ Đức |
Ông Lê Văn Hiến, trưởng Phòng GD&ĐT Huyện Mỹ Đức cho biết, học trực tuyến được 2 năm nên cơ bản các trường cũng không còn bỡ ngỡ. Năm nay chỉ có lớp 1 phải học trực tuyến là hơi băn khoăn 1 chút. Phòng chỉ đạo các trường họp phụ huynh trực tuyến để phân tích khó khăn, cùng cha mẹ lựa chọn khung giờ phù hợp để họ có thể ngồi học cùng con…
Ba Vì: hơn 30 học trò lớp 1 chưa có máy tính
Tại Ba Vì, tính đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 30 học sinh vào lớp 1 do hoàn cảnh khó khăn nên không có thiết bị để học trực tuyến.
Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, huyện đã tập huấn về CNTT cho 100% giáo viên. “Khó khăn hiện nay là các con lớp 1 phải học online, Phòng GD&ĐT huyện đã yêu cầu các trường triển khai với phụ huynh để cùng đồng hành với con mình, làm sao để 100% học sinh được học.
Đến nay theo thống kê toàn huyện, học sinh từ mầm non lên tiểu học có hơn 30 cháu chưa có thiết bị. Tôi đang chỉ đạo các trường tổ chức xã hội hóa, vận động quyên góp, ủng hộ để mua thiết bị cho các cháu, chắc cũng sẽ có đủ trước năm học mới.
Tôi cũng chỉ đạo các trường lên kế hoạch chi tiết, trong số học sinh lớp 1 có bao nhiêu cháu có thiết bị, có phụ huynh hướng dẫn học tập; Bao nhiêu cháu có thiết bị nhưng không có sự hỗ trợ; Bao nhiêu cháu không có thiết bị… Từ đó, nhà trường bàn cách tháo gỡ”.
Tiết học trực tuyến của trường PTCS Hợp Nhất, Ba Vì |
Ông Phùng Ngọc Oanh cũng thừa nhận, triển khai học trực tuyến cho học sinh lớp 1 rất khó khăn. Chúng tôi chủ yếu cho các con học Toán và Tiếng Việt, sau này đi học trực tiếp, các trường sẽ dành thời gian tối đa để ổn lại.
Trường PTCS Hợp Nhất nằm ở địa phương khó khăn nhất huyện Ba Vì với 100% học sinh là dân tộc Dao. Nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa để giúp nhiều học sinh có thiết bị học trực tuyến.
Thầy Đinh Hồng Trường, Hiệu trưởng trường PTCS Hợp Nhất cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh, dù học trực tuyến khó khăn nhưng nhà trường và phụ huynh phải khắc phục. Về cơ bản, phụ huynh đều có phương tiện phục vụ cho con em mình học tập nhưng phương tiện chỉ có điện thoại. Một số em gia đình khó khăn, nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa, mua tặng thiết bị cho các em. Đến nay, 100% học sinh của trường đều có thiết học trực tuyến, dù chỉ là điện thoại thông minh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục và bây giờ đã sẵn sàng đón năm học mới”.